Ba Lan - Ukraine ký thỏa thuận an ninh, cam kết lập Quân đoàn Ukraine tại Ba Lan
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Tổng thống Ukraine (Volodymyr Zelensky mới đây đã ký thỏa thuận an ninh song phương, đồng thời tuyên bố thành lập Quân đoàn Ukraine tại Ba Lan.
Thỏa thuận an ninh song phương được lãnh đạo Ba Lan và Ukraine ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Ba Lan của nhà lãnh đạo Ukraine ngày 8.7 vừa qua.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk (bên phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký thỏa thuận an ninh tại Ba Lan. Ảnh: AP.
Theo thỏa thuận được ký kết, Ba Lan sẽ cung cấp thêm cho Ukraine các gói hỗ trợ quân sự và cam kết tiếp tục ủng hộ nước này trong thời hạn 10 năm, đồng thời tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Hai nước cũng sẽ thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực phi quân sự, như tình báo, an ninh mạng, an ninh thông tin và hàng hải, bảo vệ hạ tầng trọng yếu. Ngoài ra, thỏa thuận an ninh giữa Ukraine và Ba Lan quy định rằng chính phủ Ba Lan sẽ bắt đầu khuyến khích người dân Ukraine trở về nước để phục vụ trong lực lượng vũ trang.
Đáng chú ý, Thỏa thuận còn đề cập việc thành lập một đơn vị tình nguyện mới "Quân đoàn Ukraine" trên lãnh thổ Ba Lan, bao gồm những người Ukraine sống tại châu Âu. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, Quân đoàn Ukraine sẽ huấn luyện tại Ba Lan và được trang bị với sự trợ giúp từ các đối tác. Mọi công dân Ukraine quyết định gia nhập đơn vị đều có thể ký hợp đồng với Lực lượng vũ trang Ukraine, trong khi những người sống ở các quốc gia khác, không chỉ ở Ba Lan, đều sẽ có thể tham gia vào quá trình huấn luyện.
Ngoài việc ký kết thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine, Thủ tướng Ba Lan cho biết, nước này cũng đang thảo luận về cách cung cấp năng lượng cho Ukraine trước khi mùa đông tới.
Thỏa thuận với Ba Lan là thỏa thuận an ninh thứ 21 mà Ukraine đã ký kết với các quốc gia và khối, trong đó có Anh, Pháp, Đức,…
Giới phân tích cho rằng, thỏa thuận an ninh với cam kết tăng cường viện trợ quân sự của Ba Lan cho Ukraine chỉ khiến xung đột Nga - Ukraine kéo dài, khó có thể giúp Ukraine thay đổi tình thế trên chiến trường.
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 9.7 đã có cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhân dịp Thượng đỉnh NATO ở thủ đô Washington.
Hai bên thảo luận các quyết định quan trọng lãnh đạo các nước thành viên NATO sẽ đưa ra tại Thượng đỉnh năm nay bao gồm việc thực hiện kế hoạch củng cố phòng thủ tập thể lớn nhất từ trước tới nay cũng như thông qua cam kết mở rộng năng lực công nghiệp của NATO nhằm ứng phó với các mối đe dọa hiện tại và trong tương lai. Hai bên cũng hoan nghênh tiến triển đạt được trong chia sẻ gánh nặng tài chính với hơn 2/3 các nước thành viên đáp ứng yêu cầu sử dụng 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng.
Ngoại trưởng Mỹ và Tổng thư ký NATO cũng thảo luận về các quyết định được kỳ vọng tại cuộc họp của Hội đồng NATO - Ukraine vào ngày 11.7, qua đó tạo cầu nối cho Ukraine hướng tới quy chế thành viên của NATO.
Theo Như Hoa (VOV)