Phù Cát nỗ lực xử lý dứt điểm “tàu 67”
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phù Cát phải xử lý 16 trường hợp tàu cá là tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (quen được gọi là “tàu 67”), là đơn vị có số lượng tàu cá phải xử lý nhiều nhất tỉnh. Thời gian qua, đơn vị đã xử lý xong 14 tàu và đang khẩn trương xử lý dứt điểm 2 tàu còn lại trong năm 2024.
Ngày 4.7, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Phù Cát phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiến hành xác minh hiện trạng tài sản đối với tàu cá BĐ 99144-TS, đang neo đậu tại khu vực cảng cá Quy Nhơn (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn). Đại diện chủ tàu cho biết, cuối tháng 6, tàu neo đậu ở vùng biển Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), khi được chấp hành viên (CHV) thông báo, vận động, chủ tàu đưa tàu về để cơ quan THADS xử lý tài sản. Sau hành trình di chuyển 5 ngày 4 đêm, tàu về đến TP Quy Nhơn rạng sáng 3.7.
Tàu đánh cá BĐ 99144-TS là loại vỏ thép có chiều dài 35 m, được đóng năm 2016 tại Hải Phòng. Thời điểm xác minh, trên tàu còn 1 máy chính và 2 máy phụ, máy phụ 3 không còn, thân tàu gỉ sét nặng tại nhiều vị trí; các trang thiết bị hàng hải và ngư lưới cụ, trang thiết bị khai thác thủy hải sản không còn. Sau khi xác minh tài sản, CHV thực hiện kê biên tài sản, giao bảo quản tài sản và tiến hành các bước để đưa tàu ra bán đấu giá, thu hồi nợ cho ngân hàng. Theo Quyết định 31/2020/QĐST-KDTM ngày 10.7.2020 của TAND TP Quy Nhơn, ông Phạm Minh Vương - bà Nguyễn Thị Hòa (ở xã Cát Khánh) có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) số tiền 6,7 tỷ đồng và các khoản lãi phát sinh.
Tàu cá BĐ 99144-TS đang neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: N.C.
Theo bà Trần Huyền Vy, CHV thụ lý vụ việc, để đảm bảo việc xử lý tàu cá đạt hiệu quả, CHV thường xuyên giữ liên lạc với chủ tàu, theo dõi chặt chẽ diễn biến trong suốt quá trình tàu di chuyển. Nhờ đó, CHV chủ động trong các tình huống, sắp xếp lịch công tác phù hợp, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong quá trình tổ chức THA.
Theo Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Nguyễn Hồng Vinh, tính đến nay các cơ quan THADS trong tỉnh phải thi hành 49 tàu cá là tài sản thế chấp liên quan đến Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, với tổng số tiền phải thi hành hơn 903 tỷ đồng. Trong đó, đã xử lý xong 46 tàu cá với số tiền đã thi hành xong gần 96 tỷ đồng và đang tổ chức THA với 3 tàu cá còn lại.
Chi cục THADS huyện Phù Cát cũng đang thi hành quyết định số 26/2022/QĐNHGT-KDTM ngày 25.4.2022 của TAND TP Quy Nhơn. Theo đó, ông Nguyễn Công Quí - bà Đinh Thị Dung (ở xã Cát Khánh) có nghĩa vụ trả cho BIDV số tiền hơn 19 tỷ đồng, bao gồm nợ gốc và nợ lãi. Năm 2023, sau khi ngân hàng có đơn yêu cầu THA, Chi cục THADS huyện Phù Cát ra quyết định và tổ chức THA đối với tài sản thế chấp là tàu vỏ thép BĐ 99888-TS.
Vừa qua, ngân hàng và chủ tàu đã thống nhất theo hướng ông Quí di chuyển tàu từ Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về địa phương để xử lý tài sản. Ông Đào Văn Hà, CHV thụ lý vụ việc cho biết, tàu vỏ thép BĐ 99888-TS vừa về đến cảng Đề Gi. Đơn vị đã có văn bản gửi Đồn Biên phòng Đề Gi và các cơ quan chức năng, đề nghị tạo điều kiện cho tàu neo đậu để xác minh, kê biên, bán đấu giá tài sản.
Với 16 tàu cá là tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, số tiền Chi cục THADS huyện Phù Cát phải thi hành lên đến gần 300 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị đã xử lý xong 14 tàu với số tiền đã thi hành gần 25 tỷ đồng. Tất cả 14 chủ tàu vẫn còn nợ ngân hàng nên đơn vị tiếp tục thuyết phục, động viên họ thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Đối với 2 tàu cá còn lại, đơn vị khẩn trương xử lý dứt điểm trong năm nay.
Ông Phạm Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Phù Cát, cho biết tàu cá là loại tài sản đặc thù, một số tàu di chuyển liên tục trên biển, thường xuyên hoạt động xa bờ nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn, từ công tác xác minh điều kiện THA đến tống đạt văn bản, thẩm định giá, bán đấu giá. Đa số tàu vỏ thép đã bị rỉ sét, xuống cấp nghiêm trọng nên giá trị tại thời điểm kê biên, xử lý có sự chênh lệch rất lớn so với thời điểm thẩm định cho vay. Có trường hợp giảm giá hơn 7 lần vẫn không có người mua, đa phần tàu khi bán xong số tiền thu được rất nhỏ so với khoản nợ của chủ tàu.
“Đơn vị đang tập trung mọi nguồn lực về con người, thời gian, kinh phí, đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng và phía ngân hàng để nhanh chóng xử lý tài sản. Từ nay đến cuối năm, đơn vị cố gắng xử lý dứt điểm 2 tàu này, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao”, ông Phúc bày tỏ quyết tâm.
NGUYỄN CHƠN