Giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp: Chưa được quan tâm đúng mức
Hiện mới chỉ có 15/46 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Mặt bằng chưa đảm bảo đã tác động không nhỏ đến việc thực hiện dự án của các doanh nghiệp và công tác thu hút đầu tư của nhiều địa phương.
Tây Sơn là địa phương có số lượng cụm công nghiệp (CCN) nhiều nhất tỉnh với 12 CCN/472 ha, nhưng đến nay mới chỉ có 3 CCN/hơn 100 ha đảm bảo 100% mặt bằng sạch, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, gồm: Gò Cầy (xã Bình Thành) và Phú An (xã Tây Xuân) - do UBND huyện Tây Sơn làm chủ đầu tư; Cầu Nước Xanh (xã Bình Nghi) - do DN làm chủ đầu tư. Các CCN còn lại đều còn vướng đất sản xuất, công trình kiến trúc trên đất của rất nhiều hộ dân chưa được xử lý. Hạ tầng nhiều CCN cũng còn nghèo nàn, thậm chí CCN Hóc Bợm (xã Bình Nghi) không có bảng chỉ dẫn vào CCN.
Lý giải về vấn đề trên, ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: Trước đây, công tác quản lý quy hoạch CCN trên địa bàn huyện chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng công trình kiến trúc trong các CCN diễn ra khá phức tạp. Vì thế, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) gian nan, vất vả, đặc biệt là đối với các hộ dân có lò gạch ngói thủ công. Dù địa phương đã nhiều lần tuyên truyền vận động người dân nhận tiền đền bù, tháo dỡ các công trình kiến trúc, bàn giao lại mặt bằng, nhưng nhiều hộ cho rằng giá đền bù của Nhà nước thấp nên chưa thống nhất. Tới đây, UBND huyện sẽ thực hiện quyết liệt hơn công tác GPMB, tạo quỹ đất sạch phục vụ công tác thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp.
Tương tự, tại TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước… cũng chưa xử lý dứt điểm công tác bồi thường, GPMB tại các CCN. Đáng chú ý, huyện Phù Mỹ có 7 CCN thì cả 7 đều chưa hoàn thành việc GPMB. Đáng chú ý là 3 CCN - Bình Dương (ở thị trấn Bình Dương và xã Mỹ Lợi); Diêm Tiêu (thị trấn Phù Mỹ); Đại Thạnh (xã Mỹ Hiệp) - dù hoạt động ổn định đã nhiều năm nhưng trong khu vực thuộc CCN hiện vẫn còn 29 ha đất sản xuất, công trình kiến trúc trên đất của nhiều hộ dân.
Nhiều ngôi nhà, công trình kiến trúc của người dân nằm đan xen trong CCN Hóc Bợm, xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn). Ảnh: T.SỸ
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Mỹ Phan Hữu Duy, thời gian qua địa phương đã nỗ lực xử lý các trường hợp lấn chiếm đất xây dựng công trình, trồng cây trong phạm vi đất quy hoạch xây dựng CCN, nhưng gặp không ít trở ngại, nhiều hộ cho rằng, giá bồi thường thấp, nên chưa chịu nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng.
Thống kê cho thấy trong tổng số 46 CCN/1.525 ha đã được UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập mới chỉ có 15 CCN hoàn thành bồi thường, GPMB, đạt 100% diện tích; 15 CCN hoàn thành từ 50% diện tích trở lên; 10 CCN hoàn thành dưới 50% diện tích; 6 CCN chưa thực hiện công tác bồi thường, GPMB. Mặt bằng chưa đảm bảo đã tác động không nhỏ đến việc thực hiện các dự án của các DN và công tác thu hút đầu tư vào CCN tại các địa phương.
Trước thực trạng nói trên, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu Sở Công Thương và các địa phương tập trung xử lý vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, GPMB tại các CCN; đầu tư hạ tầng CCN đồng bộ đáp ứng nhu cầu của các DN thực hiện các dự án và phục vụ cho công tác thu hút đầu tư.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương đang đôn đốc các chủ đầu tư CCN triển khai thực hiện đầy đủ chỉ tiêu đầu tư, phát triển CCN đã được UBND tỉnh giao từ đầu năm 2024, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ GPMB, để các DN triển khai dự án đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và tạo quỹ đất sạch, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thuê đất thực hiện các dự án mới. Đối với các DN làm chủ đầu tư hạ tầng CCN, phải tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; thực hiện việc niêm yết giá và công khai thông tin về giá cho thuê đất gắn với hạ tầng kỹ thuật.
“Sở Công Thương cũng sẽ tiếp tục tổng hợp nội dung khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các địa phương và DN đầu tư kinh doanh hạ tầng các CCN, báo cáo UBND tỉnh để giao nhiệm vụ cụ thể cho sở, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ tháo gỡ cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, kiểm tra, đánh giá lại tính khả thi, hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các CCN, báo cáo UBND tỉnh xem xét”, Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng cho biết.
PHẠM TIẾN SỸ