Huy động nguồn lực, hỗ trợ địa phương vượt khó phát triển
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa XIII, chiều 10.7, các đại biểu thảo luận tại tổ, tập trung đánh giá, cho ý kiến về các báo cáo, tờ trình được trình bày trong sáng cùng ngày. Các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là cần có giải pháp để tăng thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư nước ngoài; hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới; tăng cường quản lý trật tự đô thị, thu hút khách du lịch...
Quang cảnh kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa XIII.
Kinh tế khởi sắc nhưng còn nhiều nỗi lo
Tham gia thảo luận về kết quả phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2024, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Tuyết (đơn vị Phù Cát) đặc biệt ấn tượng trước chỉ số phát triển công nghiệp tăng 11,6%. Tuy nhiên, ĐB Tuyết cho rằng, hoạt động của các DN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa mang tính bền vững.
“Minh chứng là 6 tháng đầu năm đã có 121 DN giải thể và 570 DN ngưng hoạt động; trong khi đó thành lập mới chỉ có 621 DN. Vì vậy, ngoài những biện pháp đã được đề cập trong báo cáo, đề nghị tỉnh có chính sách tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh thu hút các DN đầu tư hạ tầng ở các cụm công nghiệp, tạo quỹ đất để DN thuê, từ đó đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh”, ĐB Tuyết phân tích.
ĐB Huỳnh Thúy Vân (đơn vị Quy Nhơn) bày tỏ sự vui mừng trước chỉ số tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh 6 tháng đầu năm tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023; xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, xếp thứ 4/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Tuy nhiên, ĐB Vân tỏ ra băn khoăn với kết quả thu tiền sử dụng đất đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra.
“6 tháng đầu năm 2024, thu tiền sử dụng đất 2.396 tỷ đồng, đạt 39,2% kế hoạch đề ra. Tuy kết quả thu tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 nhưng so với chỉ tiêu đặt ra vẫn đạt thấp. Cần phân tích, làm rõ nguyên nhân”, ĐB Vân nêu vấn đề.
Các đại biểu thảo luận tại tổ vào chiều 10.7.
ĐB Nguyễn Văn Hùng (đơn vị Tuy Phước) cho biết: 6 tháng đầu năm 2024, huyện thu tiền sử dụng đất 160 tỷ đồng, đạt trên 50% kế hoạch. “Thu tiền sử dụng đất ở cấp huyện đạt yêu cầu, nhưng ở cấp xã gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều xã đến nay chưa thu được đồng nào từ tiền sử dụng đất”, ĐB Hùng nêu thực tế.
Còn theo ĐB Đinh Drin (đơn vị Vĩnh Thạnh), năm 2024, địa phương được HĐND tỉnh giao chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất 10 tỷ đồng, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2024 mới thu được 1,8 tỷ đồng.
Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thành Hải cho biết kết quả thu tiền sử dụng đất trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt thấp là do sức mua của thị trường còn yếu, DN còn gặp khó khăn. Trong đó, đáng chú ý là hầu hết dự án bất động sản do tỉnh quản lý đều bán rất chậm. Các dự án bất động sản do cấp huyện quản lý bán tốt hơn nhờ việc định giá đất sát với giá thị trường và nhu cầu xây dựng nhà ở trong dân tăng.
“Để tăng thu tiền sử dụng đất, trong 6 tháng cuối năm 2024, Sở Tài chính sẽ phối hợp với các sở, ngành chức năng cố gắng thu thập dữ liệu để định giá đất sát với thị trường, đẩy mạnh việc đấu giá các dự án bất động sản”, ông Hải nêu giải pháp.
Cần hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương
ĐB Trần Kim Vũ (đơn vị Vân Canh) nêu thực trạng địa phương đang thiếu nguồn lực để hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới. Huyện Vân Canh có 2 xã đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gồm Canh Vinh (về đích năm 2020) và Canh Hiển (về đích năm 2022). Theo kế hoạch, huyện sẽ lựa chọn Canh Hòa hoặc Canh Thuận để đăng ký, phấn đấu hoàn thành và được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2025. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này không hề dễ dàng, do huyện không đủ nguồn lực.
“Vân Canh là huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn cao, trong khi thu ngân sách hằng năm rất thấp, không đủ nguồn lực để hỗ trợ các xã thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ để địa phương có điều kiện thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả”, ĐB Vũ đề nghị.
Cùng chung mối lo, ĐB Nguyễn Văn Hùng (đơn vị Tuy Phước) cho biết: “Năm 2020, Tuy Phước về đích nông thôn mới, theo kế hoạch đến năm 2025 sẽ về đích huyện nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, huyện rất cần tỉnh có chính sách hỗ trợ vì nguồn lực của địa phương không đảm bảo”, ĐB Hùng đề nghị.
ĐB Nguyễn Văn Hùng (đơn vị Tuy Phước) đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ để huyện về đích nông thôn mới nâng cao vì nguồn lực của địa phương không đảm bảo.
Quan tâm quản lý trật tự đô thị, thu hút du khách
ĐB Nguyễn Xuân Sơn (đơn vị An Nhơn) cho rằng hiện nay còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý trật tự đô thị. Dù đơn vị chức năng có kiểm tra, chấn chỉnh, xử phạt các vi phạm về xây dựng trong các hẻm nhỏ, nhưng vẫn cho tồn tại chứ không buộc tháo dỡ, khiến tình trạng lấn chiếm này xảy ra ở nhiều nơi.
ĐB Sơn cũng cho rằng, TP Quy Nhơn xây dựng thành phố du lịch sáng, xanh, sạch, đẹp, nhưng có những tuyến đường người dân buôn bán lấn chiếm không chỉ vỉa hè mà cả lòng, lề đường. “Cần xác định trách nhiệm rõ ràng để chấm dứt tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường. Một vấn đề nữa là thành phố du lịch mà tình trạng người ăn xin xuất hiện nhiều ở các hàng quán, gây hình ảnh không đẹp trong mắt du khách. Đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của sở, ngành, địa phương”, ĐB Sơn ý kiến.
ĐB Đặng Bá Lâm (đơn vị An Nhơn) cũng cho rằng để thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, phát triển du lịch, các cơ quan, địa phương cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Tình trạng các hộ dân bỏ rác ở vỉa hè, lòng lề đường không đúng thời gian quy định; lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để buôn bán như ở TP Quy Nhơn sẽ gây phản cảm, cần có giải pháp xử lý quyết liệt.
ĐB Đặng Bá Lâm (đơn vị An Nhơn) đề nghị các cơ quan, địa phương cần thường xuyên kiểm tra việc giữ gìn vệ sinh môi trường.
Góp ý về lĩnh vực du lịch, ĐB Mai Việt Trung (đơn vị An Nhơn) cho rằng cần quan tâm các giải pháp để tránh tình trạng du khách chỉ đến Bình Định một lần, không quay lại lần thứ hai bởi thiếu sản phẩm du lịch.
ĐB Trung đề nghị tỉnh quan tâm thu hút các dự án du lịch dịch vụ, vui chơi giải trí, xem xét lại thực tế các dự án đầu tư lớn mà không thực hiện, hoặc tiến độ rất chậm. Cùng với đó, việc kết hợp khai thác, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống để tạo các sản phẩm phục vụ du lịch của tỉnh hiện nay vẫn rất yếu, nhất là về quà lưu niệm. “Không chỉ cố gắng giữ chân khách, mà cần có nhiều chỗ để họ tiêu tiền, đừng để họ “mang tiền đến lại mang về”…”, ĐB Trung nói.
* Theo ĐB Phạm Văn Nam (đơn vị An Lão), để góp phần nâng cao GRDP trong 6 tháng cuối năm 2024, UBND tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Song song với việc tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh cần chú trọng các giải pháp tăng cường đội ngũ cán bộ, chuyên viên có khả năng ngoại ngữ tốt để quá trình trao đổi, thương thảo với các đối tác nước ngoài diễn ra thuận lợi, giúp họ hiểu đúng, hiểu đủ rằng môi trường đầu tư ở Bình Định rất cởi mở, an toàn; từ đó tăng hiệu quả thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
* Bàn về giải pháp để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, UBND tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu cả năm 2024 có 64 dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động, trong đó có 12 dự án trọng điểm. Kịp thời theo dõi, nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu...
NHÓM PV XÂY DỰNG ĐẢNG