Toàn quốc xảy ra 2.222 vụ cháy làm 57 người chết trong 6 tháng đầu năm
Trong số 1.299/2.222 vụ cháy đã được điều tra làm rõ nguyên nhân thì cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm tới 72,9%; do sơ suất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt chiếm 18,3%.
Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 2.222 vụ cháy, làm chết 57 người, bị thương 45 người, thiệt hại về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 127,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, toàn quốc cũng xảy ra 125 vụ cháy rừng làm thiệt hại 529 ha rừng.
Hiện trường vụ cháy nhà trọ ở phố Trung Kính, Hà Nội ngày 24.5. (Nguồn: TTXVN)
Số vụ cháy và số người chết đều tăng so với cùng kỳ năm 2023
So với cùng kỳ năm 2023, số vụ cháy trong 6 tháng đầu năm tăng 361 vụ (cùng kỳ năm 2023 là 1.861 vụ), số người chết tăng 14 người, số người bị thương không tăng, không giảm, thiệt hại về tài sản giảm 71,9 tỷ đồng.
Các vụ cháy chủ yếu xảy ra tại khu vực thành thị với 1.343 vụ (chiếm 60,4%), nông thôn xảy ra 879 vụ (chiếm 39,6%), trong đó cháy tại loại hình nhà dân vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 37% (823 vụ); vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh chiếm 12,2% (271 vụ). Các loại hình khác, mỗi loại hình đều chiếm tỷ lệ dưới 10%.
Trong số 1.299/2.222 vụ cháy đã được điều tra làm rõ nguyên nhân thì cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm tới 72,9%; do sơ suất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt chiếm 18,3%. Các nguyên nhân khác mỗi nguyên nhân đều chiếm dưới 10%.
Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, trong 6 tháng đầu năm, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, số vụ cháy tập trung tại các khu công nghiệp, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở tập trung đông người (chung cư mini, nhà trọ...). Thực tế, đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người; các vụ cháy có nguyên nhân từ sự cố thiết bị điện tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Công tác chỉ đạo hướng dẫn của một số bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân địa phương còn mang tính hình thức, chưa triển khai quyết liệt, triệt để; một số nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương còn chậm so với tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị 01/CT-TTg.
Một số lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; một số nơi còn buông lỏng trong quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm, dẫn đến phát sinh nhiều công trình cơ sở vi phạm.
Tồn tại nhiều công trình vi phạm, xây dựng không phép, trái phép, không đủ điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn hoạt động, đặc biệt là đối tượng nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, tự cải tạo, thay đổi công năng từ nhà ở sang nhà vừa để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, không tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Việc xử lý các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy được đưa vào sử dụng trước Luật phòng cháy chữa cháy năm 2001 có hiệu lực gặp khó khăn. Nhiều công trình đã quá cũ, không thể cải tạo, sửa chữa, nhiều công trình đã bố trí để di dời nhưng người dân không chấp hành.
Một số địa phương còn chậm triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân về xử lý cơ sở theo Điều 63a Luật phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, một số địa phương phát sinh thêm 725 cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy được đưa vào sử dụng trước Luật phòng cháy chữa cháy năm 2001 có hiệu lực…
Bên cạnh đó, phương tiện phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
Sẽ đăng tải thông tin các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng
Trong 6 tháng cuối năm 2024, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ở cơ sở rộng khắp, chất lượng, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng 2 mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng” phát huy hiệu quả công tác bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư.
Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tiếp tục xử lý cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy Chữa cháy có hiệu lực, đăng tải thông tin toàn bộ các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng; tập trung triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; tổ chức điều tra, xử lý vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy; tăng cường công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; tổ chức chữa cháy, cứu nạn cứu hộ kịp thời các vụ cháy, nổ, cứu nạn cứu hộ xảy ra.
Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành tổ chức hướng dẫn các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy cho các tổ chức, doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra đối với karaoke, vũ trường...
Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tăng cường công tác kiểm tra thường trực sẵn sàng sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; chủ động lực lượng phương tiện tổ chức chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hiệu quả các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra; biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.../.
(Theo Vietnam+)