Điểm trung bình đánh giá hệ thống thông tin thủ tục hành chính các địa phương cao hơn bộ, ngành
Ngày 11.7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố hệ thống đánh giá chất lượng các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh năm 2024.
Theo Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), kết quả đánh giá chất lượng các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh năm 2024 là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương nhìn rõ hiện trạng, thấy được những tồn tại, hạn chế để từ đó xác định, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến thời gian tới.
Trong lần đánh giá về đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật của các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh năm nay, 84 hệ thống của các bộ, ngành, địa phương đã được chấm điểm theo thang 100, với 6 nhóm tiêu chí gồm: Chức năng, cấu trúc, bố cục; hiệu năng; an toàn thông tin; khả năng truy cập thông tin thuận tiện; kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số - EMC.
Các thủ tục hành chính được số hóa trên các nền tảng dịch vụ công, góp phần tạo sự thuận lợi, minh bạch trong giải quyết thủ tục cho người dân. Ảnh: Giang Phương/TTXVN
Sau khi được đánh giá theo bộ tiêu tiêu chí, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương được chia thành 5 mức độ có tổng điểm từ cao xuống thấp gồm: A (từ 90 - 100 điểm); B (từ 80 - 89 điểm); C (từ 65 - 79 điểm); D (từ 50 - 64 điểm) và E (dưới 50 điểm).
Kết quả, điểm trung bình của khối bộ, ngành là 43/100 điểm. Trong 21 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, không bộ, ngành nào có hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đạt mức A và B. Có 5 bộ đạt mức C gồm: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông. Mức D là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ở mức E là 15 bộ, ngành còn lại.
Điểm trung bình của 63 địa phương là 63/100 điểm, cao hơn so với khối các bộ, ngành. Không hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính nào của địa phương đạt mức A và B. Có 39 địa phương đạt mức C; 24 địa phương đạt mức D; 9 tỉnh bị đánh giá mức E (Gia Lai, Đồng Nai, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Hậu Giang, Phú Yên).
Như vậy, điểm số trung bình và xếp loại trong đánh giá chất lượng các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh năm 2024 giảm đáng kể so với năm 2023. Bộ Thông tin và Truyền thông lý giải nguyên nhân là do phạm vi đánh giá mở rộng từ 3 nhóm tiêu chí năm 2023 lên 6 nhóm tiêu chí trong năm 2024.
Cụ thể, năm 2023 chỉ tập trung vào đánh giá phân hệ cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, còn năm 2024 đã bổ sung đánh giá thêm nhiều nhóm tiêu chí như: Phân hệ giải quyết thủ tục hành chính; cấu trúc và bố cục của cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh; đảm bảo an toàn thông tin và việc kết nối hệ thống EMC. Thêm vào đó, với các nhóm tiêu chí đã có, các tiêu chí thành phần cũng được bổ sung và mở rộng chi tiết hơn.
Nhìn chung, hiện tại, điểm chức năng của các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh năm 2024 chưa cao, trung bình là 30/50 điểm. Trong đó, nhiều chức năng còn thiếu hoặc có nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Hiện, việc triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung tại cấp bộ gặp nhiều khó khăn hơn cấp tỉnh. Đặc biệt, các bộ, ngành lớn có nhiều hệ thống công nghệ thông tin đã hoạt động trong thời gian dài, việc chuyển đổi và hợp nhất trở nên phức tạp và đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn.
Bên cạnh đó, các hệ thống cũ thường có sự khác biệt về cấu trúc, tính năng khiến việc tích hợp các hệ thống này không chỉ cần thời gian nâng cấp, còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, hiệu quả trong quá trình triển khai.
(Theo Ngọc Bích/TTXVN)