Kỳ họp thứ 17 HÐND tỉnh khóa XIII: Thảo luận nhiều vấn đề sát sườn với đời sống của người dân
Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 17 HÐND tỉnh khóa XIII, tại phiên họp thảo luận tổ chiều 11.7, nhiều ý kiến tập trung vào các vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống của người dân.
Quan tâm đất sản xuất cho người dân tộc thiểu số
Những khó khăn, vướng mắc đặt ra từ báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về “Tình hình và kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về giải quyết đất sản xuất cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2024” nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh.
Các đại biểu thảo luận ở tổ vào chiều 11.7.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh và các địa phương, có 352 hộ không có đất sản xuất, 1.095 hộ thiếu đất sản xuất. ĐB Nguyễn Thị Tố Trân (đơn vị Tây Sơn) cho rằng đây có thể là con số chưa chính xác, đầy đủ trong thực tế, cần rà soát lại thật kỹ. ĐB Trân nêu vấn đề, các huyện miền núi không quan tâm quy hoạch quỹ đất sản xuất, đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm để thực hiện các bước chuyển giao đất sản xuất hỗ trợ cho người DTTS. Ban Dân tộc tỉnh chưa phối hợp chặt chẽ với các địa phương để nắm chắc số hộ vùng đồng bào DTTS không có đất hoặc thiếu đất sản xuất. Các cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức trong công tác chỉ đạo quản lý đất đai...
ĐB Nguyễn Thị Tố Trân (đơn vị Tây Sơn) đề nghị có thêm nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khác phù hợp với khả năng của người DTTS để giải quyết được vấn đề thiếu đất sản xuất.
“Giải pháp phù hợp nhất là hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân, nhưng định mức kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề hiện nay tối đa chỉ 10 triệu đồng/hộ thì không thể chuyển đổi nghề và tạo sinh kế cho người dân. Cần có thêm nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khác phù hợp với khả năng của bà con, may ra chúng ta mới từng bước giải quyết được vấn đề thiếu đất sản xuất ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh”, ĐB Trân ý kiến.
ĐB Phạm Văn Nam (đơn vị An Lão) cho biết, với việc các địa phương nắm không chắc số liệu, biết người dân ở vùng đồng bào DTTS thiếu đất nhưng không biết cụ thể ai thiếu, thiếu ở đâu, thiếu bao nhiêu…. thì khó có thể thực hiện Quyết định 36/2022/QĐ-UBND ngày 25.7.2022 của UBND tỉnh Quy định định mức giao đất ở, định mức bình quân đất sản xuất để thực hiện Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định số 1719/QĐ-TTG ngày 14.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ.
ĐB Nam đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo chính quyền các địa phương miền núi theo dõi sát số liệu, cập nhật bổ sung cơ sở dữ liệu, nắm chắc từng trường hợp; từ đó phối hợp, đưa ra hướng giải quyết cụ thể, chính xác.
Ghi nhận các ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang yêu cầu, mỗi địa phương phải chủ động đưa ra giải pháp, tiến hành đo đạc, lập hồ sơ, bản đồ địa chính; xây dựng cơ sở dữ liệu cụ thể đến từng hộ; không để tiếp diễn tình trạng “áng chừng” số liệu, số liệu không thống nhất. Về phía tỉnh, trong kế hoạch giảm nghèo đến năm 2025, UBND tỉnh đã đề ra một số giải pháp cụ thể để hỗ trợ người dân. Công tác chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống người dân vùng DTTS phải được triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trên nhiều khía cạnh. Tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt công tác này để giảm nghèo một cách bền vững tại các địa phương còn khó khăn, vùng đồng bào DTTS.
Để cuộc sống thêm an ninh, an toàn
Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều ĐB trong các kỳ họp gần đây là tội phạm lừa đảo qua không gian mạng gia tăng.
Tại phiên thảo luận tổ chiều 11.7, ĐB Nguyễn Văn Hùng (đơn vị Tuy Phước) nêu vấn đề đối tượng phạm tội sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trước đây, bị hại là những người ít hiểu biết pháp luật, không rành công nghệ; hiện nay nạn nhân còn có nhiều người đã và đang làm trong các cơ quan, tổ chức của Nhà nước, đang kinh doanh, am hiểu công nghệ thông tin.
Theo ĐB Hùng, trong năm 2023, trên địa bàn huyện Tuy Phước, số tiền người dân bị lừa đảo qua mạng chỉ có 800 triệu đồng; tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2024, con số này đã lên đến 25 tỷ đồng, gây bất an trong nhân dân.
“Thời gian qua, ngành CA đã tăng cường công tác tuyên truyền về các hành vi lừa đảo qua mạng, in tờ rơi nêu rõ 15 hành vi lừa đảo để phát rộng rãi trong nhân dân. Tuy nhiên, phải nói rằng tội phạm công nghệ cao vẫn không giảm, thậm chí còn gia tăng. Đề nghị UBND tỉnh, ngành CA có giải pháp khả thi, hiệu quả để ngăn chặn tình trạng này”, ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, xử lý vi phạm về đất đai tiếp tục là vấn đề “nóng” được nhiều ĐB quan tâm. ĐB Phan Quốc Khánh (đơn vị Phù Mỹ) bày tỏ lo lắng về tình trạng lấn, chiếm đất đai diễn ra phức tạp, nảy sinh khiếu nại, khiếu kiện phức tạp, nhiều trường hợp khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương. Từ đó, ông đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tiếp tục có giải pháp quyết liệt hơn nữa để lập lại trật tự, kỷ cương, siết chặt quản lý trong công tác này.
ĐB Phan Quốc Khánh (đơn vị Phù Mỹ) bày tỏ lo lắng về tình trạng lấn, chiếm đất đai diễn ra phức tạp, nảy sinh vấn đề khiếu nại, khiếu kiện phức tạp.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở TN&MT Lê Văn Tùng cho biết: Trong quá trình thực hiện xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai, Bình Định là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện Luật Đất đai 2003. UBND tỉnh đã ban hành quy định về xử lý lấn chiếm đất đai, đất đã được giao không đúng thẩm quyền, thu tiền không đúng quy định và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp đủ điều kiện tiếp tục sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, giai đoạn 2008 - 2013, toàn tỉnh giải quyết, xử lý gần 10.000 trường hợp vi phạm lấn, chiếm đất đai. Tuy nhiên, vấn nạn lấn, chiếm đất đai tiếp tục nảy sinh những năm qua. Qua thống kê, toàn tỉnh có khoảng 11.000 trường hợp vi phạm. Trong năm 2024, UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho các địa phương phải giải quyết 9.500 trường hợp vi phạm. Đến nay, các địa phương đã tập trung triển khai quyết liệt, bài bản với nhiều giải pháp; kết quả đã giải quyết đạt trên 50% số trường hợp vi phạm theo chỉ tiêu được giao. Ngoài ra, các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý ngay từ đầu các trường hợp lấn chiếm đất, không để phát sinh mới.
“Vấn đề quan trọng nhất trong quá trình thực hiện xử lý lấn, chiếm đất đai là đảm bảo tiến độ, thời gian nhưng cũng phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, công bằng, công khai và minh bạch”, ông Tùng nhấn mạnh.
Cần kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi
ĐB Phạm Quang Ân (đơn vị Tuy Phước) bày tỏ sự quan tâm đến các công trình thủy lợi, kênh mương do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý, khai thác đang bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng chậm được sửa chữa, khắc phục, ảnh hưởng đến việc tưới tiêu và sản xuất nông nghiệp.
“Vấn đề này đã được MTTQ và HĐND tỉnh đưa vào chương trình giám sát hằng năm, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được khắc phục”, ĐB Ân nói và đề nghị đưa nội dung này vào chương trình chất vấn chung tại hội trường kỳ họp để làm rõ nguyên nhân.
Cùng chung mối quan tâm, ĐB Lê Bình Thanh (đơn vị Tây Sơn) cho rằng đê điều hư hỏng nhưng chưa được gia cố, khắc phục kịp thời là vấn đề tồn tại chưa được giải quyết, cần tìm ra nguyên nhân, giải pháp. Đồng thời, UBND tỉnh cần xem xét, hỗ trợ phù hợp để Công ty hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt hơn sản xuất nông nghiệp của người dân.
Tham dự thảo luận, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương cho biết từ năm 2012, Nhà nước có chính sách cấp bù thủy lợi phí cho Công ty hoạt động để quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, sau đó chuyển thành cấp bù giá nhưng vẫn giữ nguyên mức hỗ trợ như trước đây. Với sự cấp bù giá hằng năm của Bộ Tài chính, sau khi trả lương cho cán bộ, công nhân viên, chi phí vận hành công trình…, Công ty chỉ dành 7% nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương cho công tác duy tu, sửa chữa các công trình, chủ yếu là nạo vét kênh mương phục vụ tưới, tiêu.
Trao đổi cùng các ĐB, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Ngọc An cho biết, vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Định về kế hoạch hoạt động năm 2024, tìm hiểu thực tế, lưu ý những vấn đề Công ty cần xem xét và giải quyết, trong đó có nguồn kinh phí dành để sửa chữa kênh mương hư hỏng thời gian tới. Sau đó, UBND tỉnh đã có văn bản về hỗ trợ 5 tỷ đồng cho Công ty thực hiện việc này.
NHÓM PV XÂY DỰNG ĐẢNG