Nâng tỷ lệ chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội qua ATM
Đặt mục tiêu nâng tỷ lệ chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ATM nhằm mang lại nhiều tiện ích, thuận lợi cho khách hàng, ngành BHXH tỉnh tích cực triển khai nhiều giải pháp thiết thực.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Cuối tháng 3.2024, BHXH tỉnh đã có kế hoạch giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) cho các đơn vị BHXH cấp huyện. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đạt tỷ lệ 51% người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, 98% người nhận BHXH một lần, 99% người nhận trợ cấp thất nghiệp qua phương thức TTKDTM.
Để đạt được kết quả này, BHXH tỉnh và cấp huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị tại địa phương để có phương thức tuyên truyền, vận động phù hợp. Đối với người hưởng các chế độ BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp, cần phối hợp vận động ngay khi lập hồ sơ hưởng, phấn đấu tiệm cận 100% người hưởng nhận qua tài khoản cá nhân. Với nhóm người hưởng BHXH hằng tháng, tiếp tục tập trung vào nhóm người hưởng tiềm năng, người hưởng tại các địa phương có cơ sở hạ tầng của ngân hàng đáp ứng tốt; cung cấp cho người hưởng mạng lưới ngân hàng tại địa bàn để người hưởng lựa chọn theo yêu cầu.
BHXH cấp huyện cũng tham mưu với UBND cùng cấp có văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan tại địa phương tập trung triển khai đẩy mạnh TTKDTM trên các lĩnh vực theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp; chỉ đạo hệ thống ngân hàng tại địa phương tăng cường các điều kiện để người hưởng dễ dàng tiếp cận dịch vụ và cơ chế ưu đãi, khuyến khích với người hưởng mở tài khoản cá nhân…
Theo ông Võ Năm, Giám đốc BHXH tỉnh, kết quả thực hiện vận động, khuyến khích người hưởng nhận chế độ qua phương thức TTKDTM là một trong các căn cứ để đánh giá, chấm điểm thi đua đối với BHXH các huyện, thị xã.
BHXH tỉnh cũng đã giao Phòng Chế độ BHXH phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định có văn bản chỉ đạo Văn phòng tư vấn, giới thiệu việc làm và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại các huyện, thị xã triển khai vận động, khuyến khích người hưởng trợ cấp thất nghiệp nhận qua tài khoản cá nhân ngay khi đến làm hồ sơ hưởng trợ cấp, nhằm đẩy mạnh chi trả qua tài khoản cá nhân đạt 100%.
Người lao động cung cấp thông tin tài khoản ATM để nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: N.M
Quyết tâm về đích
Đến cuối tháng 6.2024, toàn tỉnh đã thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH thường xuyên hằng tháng qua tài khoản ATM đạt 45,5% (chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao là 46%); chi BHXH 1 lần đạt 90,9%/97%; chi trả BHTN đạt 99,1%/98% (hoàn thành chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao).
Được BHXH tỉnh giao phấn đấu tỷ lệ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua phương thức TTKDTM trong năm 2024 đạt 53%, đến giữa năm 2024, huyện Tuy Phước đã đạt tỷ lệ 49%. Theo bà Lê Thị Thu Hường, Phó Giám đốc phụ trách BHXH huyện Tuy Phước, để đạt được kết quả này, thời gian qua, BHXH huyện đã thực hiện rà soát đối với nhóm người nhận lương hưu từ 70 tuổi trở lại, tiến hành vận động, đề nghị chuyển đổi hình thức nhận lương hưu đối với người còn nhận bằng tiền mặt. Kết quả, 90% trường hợp trong nhóm này đã chuyển đổi sang hình thức nhận lương qua ATM.
Đối với nhóm trường hợp hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng, đặc biệt là những người hưởng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, đơn vị đã rà soát, gửi công văn về cơ quan của các trường hợp còn đang công tác để đề nghị cung cấp thông tin, khuyến khích chuyển đổi hình thức chi trả chế độ sang tài khoản ATM.
“Với người nhận lương hưu nhóm 75 tuổi trở lên, đặc biệt là những người hưởng lương hưu trước năm 1995 (trước khi thành lập ngành BHXH), phần lớn các cụ không đồng ý chuyển sang hình thức TTKDTM vì nhiều lý do cá nhân. Trong đó, có phần là vì mật độ trụ ATM trên địa bàn huyện chưa đảm bảo cho việc nhận lương hưu qua ATM (cả huyện chỉ có xã Phước Hòa, thị trấn Diêu Trì, thị trấn Tuy Phước là có trụ ATM), các cụ ở xa cũng không yên tâm giao thẻ ATM để nhờ người rút tiền hộ”, bà Hường chia sẻ thêm.
Tương tự, địa bàn TX Hoài Nhơn hiện chỉ có trụ ATM ở các phường Bồng Sơn, Tam Quan và Hoài Hương; người nhận lương hưu và chế độ BHXH ở các xã, phường khác ngại di chuyển xa để rút tiền. Theo BHXH TX Hoài Nhơn, việc vận động, khuyến khích người nhận lương hưu, chế độ BHXH hằng tháng qua hình thức TTKDTM còn nhiều khó khăn. Rất nhiều người lớn tuổi nhận lương hưu từ chối phương thức TTKDTM vì không rành công nghệ, sợ mất tiền phí (phí lập tài khoản, phí quản lý tài khoản…). Các cụ cũng chia sẻ về việc nhận lương hưu hằng tháng là dịp gặp gỡ, hỏi han nhau trong thời gian hưu trí nên vẫn muốn nhận tiền mặt.
Dù còn nhiều khó khăn, BHXH các huyện đều quyết tâm, nỗ lực trong 6 tháng cuối năm để kịp “về đích” theo mục tiêu mà BHXH tỉnh đã giao.
NGUYỄN MUỘI