“Đừng để mất bò, mới lo làm chuồng”(!)
Nửa tháng đã trôi qua nhưng chuyện một người dân thiệt mạng khi qua cầu Bến Gỗ (cầu bắc qua sông Hà Thanh, nối tổ 62, KV7, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn với thôn Phổ Trạch, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) vẫn còn khiến người dân địa phương xôn xao. Những động thái nhằm hạn chế những tai nạn tương tự một lần nữa, đồng thời trấn an nhân dân của chính quyền những ngày sau đó chưa đủ làm dư luận bớt lo lắng trước thói quen “mất bò mới lo làm chuồng” của cơ quan chức năng.
Ngày 30.7, Báo Bình Định có bài “Qua cầu Bến Gỗ mà kinh”, phản ánh chuyện nhiều năm qua, người dân khi qua cầu Bến Gỗ đều rất sợ bởi nguy cơ sẩy chân té xuống sông chực chờ. Về đêm, nỗi lo tai nạn còn lớn hơn. Nhưng người dân cứ phải “nghiến răng” vượt cầu vì lý do rút ngắn đường đi. Tình cảnh của dân là vậy, song điều kỳ lạ là chính quyền địa phương gần như không có động thái chia sẻ nào, kể cả việc đơn giản nhất là tổ chức làm lan can để hạn chế rủi ro. Cảnh báo sự việc nghiêm trọng này có lẽ không đến tai cơ quan chức năng nên cả tháng sau đó, không có chuyển động tích cực nào nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho dân diễn ra.
Ngày 30.8 (tròn 1 tháng tính từ ngày báo đưa tin) một người đàn ông thiệt mạng khi qua cầu Bến Gỗ sau khi cả người và xe rơi xuống sông. Đến khi đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng mới đôn đáo, gấp rút triển khai các biện pháp khắc phục vấn đề này, như: Chỉ đạo UBND xã Phước Thuận lắp đặt biển báo hướng dẫn, để người dân lưu tâm về mức độ nguy hiểm khi qua lại. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương công tác gia cố, sửa chữa những vị trí bị hư hỏng. Đó là mùa khô, còn về mùa mưa, buộc phải tháo dỡ toàn bộ cây cầu, cấm không cho người dân qua lại, đề phòng bất trắc xảy ra.
Câu hỏi được đặt ra, tại sao đến lúc này, chính quyền địa phương mới triển khai các công việc trên? Những nguy hiểm khi qua cầu Bến Gỗ sờ sờ trước mắt, việc cảnh báo, hướng dẫn nói trên sao không được triển khai ngay từ đầu? Giá cho sự quan tâm ấy là quá đắt - một mạng người! Ở đây cũng phải đặt ra vấn đề theo chiều ngược lại, tại sao người dân lại chấp nhận sống với thói quen “đi tắt cho gần” nguy hiểm như vậy. Liệu nó có đáng để ta đặt cược mạng sống của mình như thế không?
Tỉnh ta có lẽ còn không ít những điểm đen bị khuất lấp tương tự cầu Bến Gỗ. Rất mong chính quyền địa phương cùng các đơn vị sở, ngành liên quan không để “mất bò mới lo làm chuồng”, xin hãy quan tâm để ý chăm sóc dân nhiều hơn.
TÂM NHƯ