Tổ hợp tác nấu ăn phục vụ đám tiệc ở Nhơn Phong
Được Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ vốn, vừa qua, Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh đã xây dựng mô hình “Tổ hợp tác nấu ăn phục vụ đám tiệc” tại xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn, nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ trong độ tuổi lao động, nhất là phụ nữ nghèo, có việc làm tại chỗ, có thêm thu nhập.
Mô hình ra đời từ nhu cầu thuê mướn dịch vụ nấu ăn phục vụ đãi tiệc cưới, hỏi, sinh nhật, liên hoan, tân gia, giỗ chạp, ma chay… ngày càng lớn, trong khi các dịch vụ hiện tại còn nhỏ lẻ, không đủ đáp ứng.
Chị Hồ Thị Tuyết Ngân, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Phong, cho biết: “Mô hình này có sự tham gia của 25 chị em, trong đó ưu tiên cho phụ nữ nghèo và chị em có hoàn cảnh khó khăn, chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định. Tổ hợp tác nấu ăn phục vụ đám tiệc được chia làm 4 tổ, có ban quản lý gồm 3 người có nhiệm vụ theo dõi, giám sát, đôn đốc các thành viên và quản lý tài sản của tổ”.
Làm việc trong khuôn khổ Tổ hợp tác, quy mô dịch vụ do chị em cung cấp ngày càng lớn, bài bản; việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm tăng tính liên kết bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, nhờ linh hoạt để phù hợp với sự biến đổi của thị trường, mô hình này tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập của chị em từ mức bình quân 1,3 triệu đồng/người lên mức 2,4 triệu đồng/người/20 ngày làm việc như hiện nay.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (thôn Thanh Giang) phấn khởi chia sẻ: “Từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm là thời điểm nông nhàn của những chị em làm nông ở đây. Vì vậy, tham gia mô hình này, thu nhập của tôi cũng tăng lên, giúp trang trải các chi phí cho cuộc sống”. Cùng một suy nghĩ như vậy, chị Mai Thị Danh (thôn Tam Hào) cho biết thêm: “Trước đây, tôi tự đứng ra nhận nấu đám, tiệc riêng. Khi Hội LHPN xã thành lập Tổ hợp tác, tôi liền hưởng ứng, đăng ký tham gia. Hiện nay, khi làm chung thì thu nhập của tôi tuy có giảm đi đôi chút so với lúc làm riêng. Nhưng bù lại, nhiều người cùng làm thì rất vui, có thể cùng các chị em khác trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong cách chế biến các món ăn, cách trang trí món ăn cho hấp dẫn và cách phục vụ, công việc vì thế cũng nhẹ nhàng, tinh thần thoải mái”.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình này, chị Hồ Thị Tuyết Ngân cho rằng: “Với sự tâm huyết, say mê yêu nghề của chị em trong Tổ hợp tác nấu ăn phục vụ đám tiệc, chúng tôi tin là mô hình này sẽ còn thành công nhiều hơn. Hoạt động của mô hình này đã và đang góp phần nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo có việc làm tại chỗ, có thu nhập, đảm bảo cho cuộc sống ngày càng tốt hơn, giúp chị em giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.
NGUYỄN HỒNG PHÚC