NATO và những vấn đề đầy thách thức
Từ ngày 9 - 11.7, lãnh đạo các nước thành viên của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhóm họp tại Washington (Mỹ) nhân kỷ niệm 75 năm thành lập. Năm nay, 23/32 thành viên của khối nhiều khả năng đạt mục tiêu dành 2% GDP cho quốc phòng, nhưng đây cũng là thời điểm có nhiều thách thức đối với liên minh này.
Hội nghị thượng đỉnh năm nay là lần tham dự cuối cùng của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và cũng là dịp để cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ra mắt trước khi đảm nhiệm cương vị này từ tháng 10 tới. Tại đây, các nhà lãnh đạo thảo luận 3 chủ đề chính, đó là: Ukraine; răn đe và phòng thủ; đối tác toàn cầu. Đây cũng là những ưu tiên được đề cập tại hội nghị diễn ra ở Vilnius (Litva) cách đây 1 năm.
Với Ukraine, cả Đức và Mỹ vẫn hoài nghi về tính khả thi của việc Ukraine tham gia liên minh này. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden giữ nguyên quan điểm rằng một quốc gia trong tình trạng chiến tranh không thể gia nhập NATO, vì việc kết nạp này sẽ dẫn đến nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ảnh: Reuters
Được thành lập vào năm 1949 với mục đích phòng thủ tập thể đối với Liên Xô, NATO được cho là đang quay lại với mục tiêu ban đầu, khi mà các thành viên luôn hỗ trợ Ukraine kể từ khi xảy ra giao tranh với Nga vào năm 2022. Một quan chức châu Âu giấu tên thừa nhận, hội nghị thượng đỉnh NATO lần này trở nên “u ám” do những dấu hiệu đuối sức của Ukraine trên mặt trận với Nga. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng của các nước thuộc NATO đã nhất trí về gói viện trợ và huấn luyện an ninh cho Ukraine.
Về chiến lực răn đe và phòng thủ, từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, NATO bắt đầu tự điều chỉnh để hướng tới mục tiêu phòng vệ tập thể và tránh các nhiệm vụ “ngoài phạm vi”. Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Madrid (Tây Ban Nha) hồi tháng 7.2022, các thành viên NATO nhất trí về một “hình mẫu lực lượng mới”, trong khi ở Vilnius, liên minh này cũng đồng thuận về một nhóm kế hoạch cho việc phòng thủ của châu Âu trước Nga, cũng như tăng cường sản xuất vũ khí. Theo báo cáo phân tích mới đây, quân đội NATO có thể sẵn sàng “chiến đấu ngay” nếu cần, nhưng nhiều nước thành viên vẫn thiếu nhân lực và vật lực cho cuộc chiến mang tính truyền thống có quy mô lớn và kéo dài. Con số 2% dường như là không đủ, nhưng các thành viên vẫn chưa nhất trí về ý định nâng tỷ lệ này lên. Ngoài ra, làm sao để NATO bớt phụ thuộc vào Mỹ cũng sẽ vẫn là một thách thức.
Về mở rộng hợp tác, NATO tìm cách gây dựng đối tác toàn cầu từ đầu những năm 2000 và mới đây chuyển hướng tập trung sang khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Mỹ và một số nước, như Anh, Pháp có nhiều cam kết an ninh với các quốc gia ở khu vực này, nhưng không phải là thông qua NATO. Trong bài viết mới đây được đăng trên tạp chí Foreign Affairs, ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh, việc NATO sẽ tập trung làm sâu sắc quan hệ với các nước Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông cũng cho rằng, việc các nhà lãnh đạo của Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc dự hội nghị lần này là minh chứng cho thấy quan hệ của liên minh này với bên ngoài đang phát triển.
Tuy nhiên, ngay trong nội bộ NATO hiện cũng bị phủ bóng đen bởi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như ở châu Âu. Ông Joe Biden đang đối mặt với các câu hỏi liệu ông có thể tiếp tục tranh cử và giành chiến thắng hay không, trong khi nhiều nước châu Âu lo ngại viễn cảnh Mỹ rút khỏi liên minh này nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Ngoài ra, một câu hỏi quan trọng khác hiện nay không phải là châu Âu có đủ khả năng hay không mà là có sẵn sàng lấp chỗ trống nếu Mỹ rút khỏi liên minh hay cắt giảm viện trợ cho Ukraine hay không.
LÊ QUẢNG (theo The Conversation, AFP)