Vàng cúc vạn thọ Gia An Nam
Những ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, từ sớm tinh mơ, trên những ruộng hoa ở thôn Gia An Nam, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, nhiều phụ nữ tất bật với công việc chọn nhổ, cắt tỉa gọn gàng những bó hoa cúc vạn thọ rồi chuyển hàng về các chợ đầu mối tiêu thụ. Loại hoa này đã và đang giúp nhiều phụ nữ ở đây có thu nhập khá.
Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn
Trò chuyện với chúng tôi giữa vườn hoa rộng chừng 1.000 m2 nở rực vàng, đưa tay quệt những giọt mồ hôi trên trán, chị Nguyễn Thị Sành cười tươi: “Trước đây, ngoài 2 sào ruộng, gia đình tôi chỉ biết trồng thêm mấy luống lang, mì để nuôi gà, heo nhưng không đủ chi tiêu hàng ngày. Từ khi chuyển qua trồng cúc vạn thọ, hiệu quả thay đổi rõ rệt”. Chị Sành cho biết, trồng cúc vạn thọ vốn đầu tư ít, chỉ khoảng 3-3,5 triệu đồng/sào, còn lại chủ yếu là công chăm sóc, sau 2-2,5 tháng là thu hoạch. Vườn hoa của chị, ngoài bỏ sỉ hàng ngày cho các bạn hàng ở chợ Tam Quan, Tam Quan Bắc, Hoài Hương, còn lại bán lẻ cũng được 50.000-100 ngàn đồng/ngày, rằm, mùng 1 thì cao hơn. “Tính ra một sào, nếu luân phiên trồng gối vụ thì thu lãi trên 10 triệu đồng/năm”, chị Sành nói.
Chị Sành là một trong nhiều phụ nữ ở thôn Gia An Nam tham gia mô hình trồng cúc vạn thọ, do Hội LHPN xã Hoài Châu Bắc triển khai. Do đặc thù đất đai vùng này nghèo chất dinh dưỡng, hiệu quả canh tác thấp, để giúp hội viên, phụ nữ địa phương vươn lên thoát nghèo, Hội phụ nữ xã đã triển khai một số mô hình phát triển kinh tế nhỏ tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em như: trồng hoa, rau sạch, nuôi heo hướng nạc, bò lai sinh sản, gia công chiếu cói… Sau thời gian thực hiện, nhận thấy mô hình trồng cúc vạn thọ là tương đối phù hợp với dòng đất cát pha ở địa phương và khả năng vốn liếng của chị em, từ năm 2010, Hội tiến hành hỗ trợ hội viên vay vốn theo hình thức tổ tiết kiệm, đồng thời phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức sản xuất, chọn giống, tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ khi mô hình này phát triển, đời sống của một số chị em hội viên trong thôn bước đầu đã có những biến chuyển đáng kể.
Gắn kết cộng đồng
Không chỉ giúp cho hàng chục phụ nữ nghèo trong thôn có thu nhập ổn định mà mô hình này còn gắn kết các chị em trong tổ sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Hiện tổ phụ nữ chuyên trồng cúc vạn thọ ở thôn Gia An Nam có 14 hội viên, hỗ trợ nhau bằng cách góp vốn tiết kiệm cho những hội viên khó khăn mượn không tính lãi (mức 20 triệu đồng/năm) để mua giống, phân bón, hoặc giải quyết những khó khăn đột xuất trong gia đình.
Như chị Nguyễn Thị Hương, trước đây là hộ nghèo, chồng bị tai nạn lao động, nhà có 3 con đang trong tuổi ăn tuổi học, cuộc sống thiếu trước hụt sau, nhờ chị em trong thôn giúp đỡ trồng cúc vạn thọ, nay gia đình chị đã thoát nghèo, hai con lớn đã học xong cao đẳng, con út chuẩn bị vào đại học. Chị Hương vui mừng cho biết: “Nhờ có hoa mà cuộc sống gia đình tôi ổn định dần, có tiền lo cho con cái ăn học, thuốc men cho chồng”.
Còn gia đình chị Võ Thị Tánh, cũng nhờ trồng hoa mà từ nghèo đã trở nên khá giả, xây được nhà khang trang và nuôi con ăn học. Hiện gia đình chị có 3 sào đất chuyên trồng cúc vạn thọ quanh năm. “Nếu không bị hư hại, mỗi cây cúc vạn thọ khoảng 4-5 hoa có giá 3.000 đồng, thu hoạch trúng vào dịp rằm lớn hoặc lễ, tết thì có khi giá lên đến 5.000 đồng/cây. Do vậy, cúc vạn thọ là cây trồng giúp người nghèo thoát nghèo hiệu quả”, chị Tánh nhận định.
Cúc vạn thọ ở Gia An Nam không chỉ được tiêu thụ ở các chợ trong huyện Hoài Nhơn mà còn vươn ra một số khu vực lân cận như: Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), Phù Mỹ nên hiếm khi bị dội hàng. Chị Nguyễn Thị Thanh Siềng, Chủ tịch Hội LHPN xã Hoài Châu Bắc, nhận xét: “Mô hình này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa dân sinh lớn, bởi hầu hết chị em phụ nữ nghèo thường dè dặt, nhất là thiếu tự tin với công việc có tính cộng đồng. Thế nhưng, khi được cầm tay chỉ việc, các chị đã dần thực hiện thành công mô hình, từng bước ổn định cuộc sống”.
BẢO SƯƠNG-THÁI NGÂN