Nhà thơ Nguyễn Đức Quận: Cất lên từ phía quê nhà...
Cuối năm 2023, Nguyễn Đức Quận đã tạo bất ngờ khi liên tiếp ra mắt bạn đọc 2 tập thơ: Những bàn tay đã nắm (NXB Hội Nhà văn) và Tìm lại chút tình quê (NXB Hội Nhà văn). Anh viết nhiều, đa dạng, nhưng những câu thơ cất lên từ đồng đất quê nhà, tạo nhiều xúc động hơn cả với bạn đọc.
Nhà thơ Nguyễn Đức Quận. Ảnh: NGÔ PHONG
1. Nguyễn Đức Quận (SN 1957, quê ở Quảng Ngãi), nhưng làm việc và định cư ở Bình Định hơn 40 năm nay. Sau khi rời ghế nhà trường, anh được Trường ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (nay là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên) phân công về công tác tại Liên đoàn Địa chất 5 (nay là Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ), đóng trên địa bàn TP Quy Nhơn. Nhà thơ hồi tưởng: “Được nhà trường phân công về công tác ở Bình Định, rồi bén duyên với nơi này, cho đến nay là đã hơn 44 năm. Bình Định từ rất lâu rồi đã thành quê hương của mình, mọi thứ từ mình giờ cũng đậm đặc chất Bình Định”.
Nguyễn Đức Quận đến với thơ như một ngẫu nhiên, anh viết sẻ chia trên trang cá nhân, rồi thơ trở thành kênh kết nối anh với bè bạn yêu văn chương, liên tục góp mặt trong các ấn bản thơ. Bạn thơ thấy anh trong nhiều tuyển tập thơ in chung như: Một thời để nhớ, Nắng hồng (2016), Mùa yêu thương, Như áng mây chiều, Đêm đông trở gió (2017), Tuổi hồng phôi phai, Vọng về miền nhớ (2018), Góp nhặt cho đời (2019)…
2. Nguyễn Đức Quận chủ yếu viết theo thể thơ truyền thống, nhịp nhàng se vần kết điệu. Thơ anh kéo về một bức tranh quê bình yên làm người đọc nao nao chảy theo những dòng hoài niệm: Một dòng sông âm vang lên khúc hát/ Tiếng trống chầu thúc giục ở làng bên/ Bữa cơm chiều ăn sớm để đi xem/ Gánh hát đến diễn tuồng xưa tích cũ (Dòng sông ký ức, trong tập Tìm lại chút tình quê).
Khi nhập một dữ liệu có từ “Bình Định”, Nguyễn Đức Quận say sưa nói về vùng đất này với tình yêu, sự gắn bó máu thịt. Anh không ngần ngại nói rằng: “Tôi giờ, đã “rặt” Bình Định rồi”. Quê hương Bình Định, như là một chỉ dấu về tâm hồn của anh. Từ những trầm tích văn hóa cổ xưa, hay cụ thể như lời ăn tiếng nói hằng ngày, đều tạo nên cho anh những ngẫm gợi, khơi niềm cảm hứng cho bài thơ cất cánh. Như có khi, anh bày tỏ ấn tượng của mình về ngôn ngữ lời nói của người xứ Nẫu qua bài thơ “Nẫu và em” trong tập Những bàn tay đã nắm: Xứ Nẫu là xứ quê em/ Biển xanh tắm mát ru êm bóng dừa/ Nhớ ngày mới lớn khi xưa/ Em mê hát bội không chừa tuồng chi/ Nẫu nói là em chai lỳ/ Múa roi đánh võ cái gì cũng chơi/ Thật ra em chỉ luyện thôi/ Nếu Nẫu chọc ghẹo em ngồi im re.
Hai tập thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Quận. Ảnh: NGÔ PHONG
3. Với Nguyễn Đức Quận quê hương mãi là niềm đau đáu thường trực. Nhất là ở dải đất miền Trung mặn mòi gió biển, vùng rốn lũ chịu nhiều hà khắc của thiên nhiên: Tôi đã về với miền Trung mưa lũ/ Quê hương gầy khi cơn bão đi qua/ Nỗi lo toan trên khuôn mặt mẹ già/ Vầng trán xếp, bờ môi khô héo nụ (Tôi đã đi, trong tập Tìm lại chút tình quê).
Nguyễn Đức Quận không gắng làm sang câu chữ, không đi tìm cấu tứ cầu kỳ. Anh viết tự nhiên, mộc mạc, giản dị trong góc nhìn, cảm nhận bao dung trắc ẩn. Có lẽ nhờ vậy, thơ anh mang lại nhiều cảm tình với người đọc. Đồng cảm với sáng tác của Nguyễn Đức Quận, nhà thơ Nguyễn Thị Phụng chia sẻ: “Với nét dung dị, mộc mạc thơ Nguyễn Đức Quận ấm áp cái tình; anh thực sự hòa xúc cảm dạt dào khi viết về con người, cảnh sắc, quê hương, sâu lắng và cảm động”.
NGÔ PHONG