Mua của người chán, bán cho người cần
Với tiêu chí “cũ người mới ta”, nghề mua bán đồ cũ đã và đang đáp ứng nhu cầu của nhiều người khi tại đây có những món đồ chất lượng còn tương đối khá mà giá cả rất hợp túi tiền.
Ở Quy Nhơn, người có ý định đi mua đồ cũ về dùng cho gia đình hay công việc kinh doanh có nhiều điểm để ghé và lựa chọn. Ngã ba Võ Văn Dũng- Nguyễn Thái Học có cửa hàng chuyên bán các vật dụng bằng sắt, từ sắt xây dựng các loại đến cửa sổ, cửa ra vào, xích đu, lan can cầu thang... Các cửa hàng trên đường Tây Sơn thì chuyên mua bán đồ gỗ, ở đường Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu thì mua bán hàng điện tử gia dụng...
Đang có nhu cầu đầu tư thêm cho quán nhậu bình dân của gia đình, chị Huỳnh Thị Kim Thu (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) xuống Quy Nhơn để mua thêm bàn ghế. Nhưng vì lưng vốn ít nên sau khi vào xem một số cửa hàng, chị nghĩ bụng sẽ về tay không. Tình cờ, lúc này chị phát hiện ra cửa hàng đồ cũ trên đường Ỷ Lan nên ghé vào. Chị Thu cho biết: “Sau khi xem hàng và hỏi giá tôi thấy phù hợp nên quyết định mua 12 ghế và 2 bàn mặt đá, 1 bàn gỗ nhỏ, cùng vài cái xô, tổng cộng hết 1,3 triệu đồng. Tôi thấy giá này là chấp nhận được”.
“Em muốn mở văn phòng, quán cà phê sân vườn hay quán ăn chị đều cung cấp được hết. Cần ti vi, máy giặt chị đều có”, bà chủ cửa hàng đồ cũ Nguyễn Thị Mơn ở đường Ỷ Lan đon đả giới thiệu cho một đôi vợ chồng đang vào xem hàng tại cửa hàng.
Phong phú hơn các cửa hàng kinh doanh đồ cũ khác, cửa hàng mua bán đồ thanh lý của bà Mơn có đủ thứ, từ ti vi, tủ lạnh, máy giặt, quạt máy đến bàn ghế, xe đẩy, tủ bánh mì, xoong, nồi, ly tách, mái hiên di động, móc quần áo, đến cả máy hút mùi dùng cho nhà hàng… Và tất nhiên tùy vào chất lượng của sản phẩm mà giá cả cũng tương ứng. Bà Mơn cho hay: “Ở đây bán chạy nhất là vật dụng phục vụ cho quán ăn và quán nước, như bàn ghế, ly chén, so với hàng mới, giá ở đây thấp hơn từ 35-50%. Việc trao đổi mua bán cũng ước chừng chứ không có một quy định cụ thể nào, khách cảm thấy ưng ý mặt hàng nào thì có thể thương lượng rồi mua”.
Cửa hàng mua bán đồ cũ này đi vào hoạt động từ tháng 5.2013, từ ý tưởng của cậu con trai thứ 4 của bà Mơn, sau khi học ở TP Hồ Chí Minh về. Bà Mơn kể, thoạt đầu, bà thấy cũng hơi kỳ, nhưng khi được con cho đi mục sở thị các cửa hàng tương tự ở TP Hồ Chí Minh thì bà Mơn quyết tâm làm. Trải qua thời gian đầu khó khăn, giờ đây cửa hàng đồ cũ của bà đã có nhiều khách đến mua hàng. “Với quan niệm, cũ người mới ta, nên với tôi chẳng có món đồ nào là bỏ đi, mua đồ cũ về mình sửa sang, đánh chùi lại chút rồi bán cho người khác. Chúng tôi buôn bán chủ yếu nối khả năng tài chính của người mua với nhu cầu của người bán”, bà Mơn cho biết thêm.
Đang trò chuyện thì có một phụ nữ trung niên đến hỏi bà Mơn có bán nắp nồi cỡ trung không. Bà Mơn nói có rồi nhanh chóng lấy hàng cho khách, cầm 20.000 đồng. Người khách giải thích: “Cái nồi còn ngon nhưng cái nắp bị lạc đâu, giờ bỏ mua nồi mới cũng phí nên tôi tới đây hỏi thử có không, dù sao cũng tiết kiệm được một khoản tiền chợ”.
Những người mua bán đồ cũ đều cho biết, nghề này thoạt đầu cũng giống như thu mua ve chai, nhưng nó cao hơn một chút vì các sản phẩm mình mua về người khác vẫn có thể sử dụng tốt. Vì vậy, để duy trì và phát triển tốt nghề mua của người chán, bán cho người cần, họ phải chịu khó đi săn lùng, mua nhiều những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nơi đâu có nhà chuyển đi, đến, nhà dỡ ra xây lại, các hàng quán buôn bán ế ẩm muốn bán tháo đồ là các chủ cơ sở này có mặt ngay để tìm cách mua. Cũng có khi, nguồn hàng này đến từ những người đi mua bán ve chai. Và hơn hết, tuy là đồ cũ nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng, dù theo “chuẩn” đồ cũ.
K.ANH