Nét đẹp nghề đan đát của người H’re
Ðan đát thủ công là nghề truyền thống bao đời nay của người H’re ở huyện An Lão. Ðến nay, mặc dù xã hội phát triển, đời sống người dân nâng cao nhưng nhiều gia đình vẫn giữ nghề đan đát và sử dụng các vật dụng như rổ, nong, sàng, nia… trong đời sống, lao động hằng ngày. Ðó cũng là cách người dân nơi đây gìn giữ nghề truyền thống cha ông để lại.
Nghề đan đát được người H’re truyền dạy qua nhiều thế hệ, sản phẩm làm ra ngày càng đa dạng, phục vụ đời sống và đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: T.C
Người dân thôn 1 (xã An Trung) rất thân quen với hình ảnh ông Đinh Văn Tó (74 tuổi) vào mỗi buổi sáng sớm ngồi trước hiên nhà, miệt mài vót, chẻ nan; tỉ mỉ đan từng cái đáp, cái nia. Hễ dăm bữa nửa tháng, ông Tó không đan, đám trẻ con, người già lại thấy thiếu vắng.
Ông Tó tâm sự, lúc còn nhỏ, ngồi nhìn cha mẹ làm, riết rồi nhập tâm, cứ thế bắt chước làm theo, dần dần biết đan các vật dụng từ đơn giản đến phức tạp. Theo thời gian, nghề đan đát đã ngấm vào máu và gắn bó với cuộc sống hằng ngày của ông cho đến nay.
Ông Đinh Văn Tó “cầm tay, chỉ dẫn” cháu trai đan một cái đáp. Ảnh: T.C
Nghề đan đát đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ chuẩn bị nguyên liệu là tre lồ ô, đến vót, chẻ nan. Kỹ thuật đan cũng rất đa dạng, tùy theo sản phẩm mà đan lóng đôi, bắt chéo, hình quả trám… để tạo hoa văn cho sản phẩm. Sau khi hoàn thiện, người dân thường gác các sản phẩm lên bếp để hun khói nhằm giữ cho vật dụng được bền hơn.
“Để làm ra một sản phẩm, tôi phải mất 4 - 7 ngày từ công đoạn chẻ, vót nan rồi đan thành phẩm. Với những sản phẩm khó thời gian làm sẽ lâu hơn. Mỗi sản phẩm khi hoàn thành chứa đựng rất nhiều công sức, tình cảm của người đan. Để nghề đan đát không bị mai một, tôi đã chỉ dạy cho con cháu và nhiều người trẻ trong thôn cách đan từng sản phẩm”, ông Tó chia sẻ.
Ông Phạm Văn Hếch kiểm tra lại các nan tre vừa đan hoàn thiện trên một sản phẩm. Ảnh: T.C
Dưới tán cây xanh mát, vợ chồng ông Phạm Văn Hếch (56 tuổi) và bà Đinh Thị Bốp (45 tuổi, ở thôn 1, xã An Trung) đang ngồi tỉ mỉ chuốt từng nan tre lồ ô để đan cái đáp, cái nong cho một người dân trong thôn đặt mua.
Bà Bốp cho hay, nghề đan đát tuy không kiếm được nhiều tiền, nhưng giúp bà thỏa niềm đam mê sau mỗi mùa nương rẫy, đó cũng là cách để gia đình bà giữ gìn nghề của cha ông. “Với phụ nữ và những người lớn tuổi, đan đát là công việc phù hợp, không tốn nhiều sức lao động, có thể chủ động về thời gian và có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Quan trọng hơn, đây là nghề truyền thống của dân tộc mình, không bỏ được nên cứ học và duy trì nghề”, bà Bốp nói.
Theo Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện An Lão Châu Anh Tế, đan đát không chỉ là nghề truyền thống của người H’re, mà còn là nét văn hóa cần được giữ gìn, khôi phục, bảo tồn, phát triển. Phòng đang tham mưu cho UBND huyện tăng cường khai thác giá trị của nghề đan đát truyền thống của người H’re và gắn kết với du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm truyền thống đặc trưng với khách du lịch tới tham quan… Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
TRIỀU CHÂU