Thí điểm phần mềm thông báo lưu trú ở bệnh viện
Từ tháng 4.2024, Bệnh viện Mắt là đơn vị đầu tiên của ngành Y tế tỉnh thí điểm triển khai phần mềm thông báo lưu trú ASM, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được quản lý lưu trú theo quy định.
Sáng 13.7, nhập viện điều trị bệnh glôcôm tại khoa Đục thủy tinh thể - Glaucome (Bệnh viện Mắt), cùng với hồ sơ bệnh án nội trú, bệnh nhân Tô Thị Lương (ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) còn được cập nhật dữ liệu thông tin trên phần mềm thông báo lưu trú ASM.
Điều dưỡng Khoa Đục thủy tinh thể - Glaucome (Bệnh viện Mắt) nhập dữ liệu lưu trú cho bệnh nhân nhập viện điều trị trên phần mềm ASM. Ảnh: M.H
Thông tin lưu trú của bệnh nhân được chị Lương Thái Thi, điều dưỡng trực Khoa Đục thủy tinh thể - Glaucome, thực hiện tại khoa với việc quét dữ liệu từ CCCD của bệnh nhân. “Theo quy định, khoa đảm bảo hoàn thành việc thực hiện thông báo trước 23 giờ của ngày bắt đầu lưu trú; đối với bệnh nhân đến khám, chữa bệnh lưu trú tại cơ sở sau 23 giờ thì hoàn thành việc thông báo qua phần mềm trước 8 giờ sáng hôm sau”, điều dưỡng Thi cho hay.
Từ tháng 4.2024, việc thông báo thông tin lưu trú của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân lưu trú qua đêm tại Bệnh viện Mắt Bình Định được thực hiện thông báo lưu trú cho cơ quan đăng ký cư trú (CA phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) trên phần mềm ASM. Khi sử dụng phần mềm thông báo lưu trú ASM, nhân viên bệnh viện quét mã QR trên CCCD hoặc trên ứng dụng VNeID thì có thể khai báo lưu trú và được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Toàn bộ thông tin của bệnh nhân, người nuôi bệnh... đều được xác thực trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chuyển đến CA phường Hải Cảng tiếp nhận.
Bệnh viện Mắt là đơn vị y tế đầu tiên của tỉnh triển khai thí điểm phần mềm thông báo lưu trú ASM. Bệnh viện có khoảng 100 giường kế hoạch với 3 phòng chức năng, 6 khoa lâm sàng; tiếp nhận điều trị nội trú từ 80 - 100 bệnh nhân/ngày. Hiện, bệnh viện triển khai phần mềm này tại 2 khoa lâm sàng (Khoa Đục thủy tinh thể - Glaucome và Khoa Kết mạc, giác mạc - Phần phụ). Mỗi khoa được bố trí máy tính kết nối internet và trang bị máy quét QR CCCD của người bệnh để cập nhật thông tin của bệnh nhân lưu trú vào máy tính thực hiện việc thông báo lưu trú qua phần mềm ASM.
“Việc khai báo trên phần mềm ASM giúp cơ sở y tế thu thập được thông tin về nơi lưu trú của người bệnh, từ đó có thể quản lý, theo dõi sức khỏe của người bệnh hiệu quả hơn. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là các trường hợp bệnh nhân, người nuôi bệnh tại cơ sở trong việc thực hiện khai báo lưu trú theo quy định của Luật Cư trú năm 2020”, bác sĩ Nguyễn Thanh Triết, Giám đốc Bệnh viện Mắt, chia sẻ.
Để thực hiện thông báo này, bệnh viện phối hợp với CA địa phương, nhất là CA phường Hải Cảng kịp thời cung cấp thông tin, trao đổi những vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện để đề xuất bổ sung, điều chỉnh các chức năng của phần mềm ASM cho phù hợp với thực tế tại bệnh viện.
“Tuy nhiên, phần mềm này hiện hoạt động độc lập, song song với phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án của ngành y tế. Bởi vậy, chúng tôi kỳ vọng các đơn vị phát triển phần mềm có thể kết nối và chia sẻ dữ liệu một cách tự động giữa các phần mềm, ví dụ như khi nhập thông tin bệnh nhân vào viện thì đồng thời tự động đăng ký lưu trú trên phần mềm ASM hoặc khi kết thúc quá trình điều trị, bệnh nhân xuất viện cũng sẽ tự động “check-out” cho bệnh nhân, qua đó có thể giảm được các thao tác”, bác sĩ Triết nói thêm.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực y tế của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh (Đề án 06) theo Quyết định 4466/QĐ-UBND, hiện ngành y tế triển khai thí điểm tại Bệnh viện Mắt mô hình đăng ký lưu trú qua ứng dụng ASM. Từ thí điểm này, thời gian đến sẽ triển khai nhân rộng mô hình cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
MAI HOÀNG