Tạo cơ chế, động lực cho sự phát triển toàn diện
Tại kỳ họp thứ 7, HÐND tỉnh khóa XIII đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng để tạo cơ chế, động lực phát triển trên nhiều lĩnh vực. Báo Bình Ðịnh trân trọng giới thiệu 3 nghị quyết liên quan đến lĩnh vực du lịch, nghệ thuật và các chương trình mục tiêu quốc gia.
1. Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ thu hút đoàn khách đến tỉnh Bình Định dự hội nghị, hội thảo
Nghị quyết được ban hành nhằm phát huy các nguồn lực, cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch hiện có và nâng cao tính chuyên nghiệp, kinh nghiệm tổ chức các hội nghị, hội thảo, sự kiện lớn; ưu tiên thu hút khách đoàn và nâng cao hiệu quả trong phát triển du lịch của tỉnh; định vị TP Quy Nhơn thành địa điểm tổ chức các hội nghị, hội thảo, sự kiện của khu vực miền Trung, từng bước đưa sản phẩm du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Trung tâm Hội nghị tỉnh - nơi đủ điều kiện để tổ chức các hội nghị, hội thảo mang tầm quốc tế. Ảnh: N.DŨNG
Đối tượng hỗ trợ là các DN, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21.4.2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Về điều kiện hỗ trợ: Đoàn khách đến tỉnh Bình Định tham dự hội nghị, hội thảo có số lượng tối thiểu là 100 khách (không kể khách mời trong tỉnh). Nguyên tắc hỗ trợ là đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách. Khuyến khích các DN kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng các chương trình ưu đãi về sản phẩm dịch vụ phục vụ hội nghị, hội thảo. Việc hỗ trợ được thực hiện khi có đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định.
Về nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ tiền thuê hội trường, phòng họp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh 50% theo đơn giá thuê (không bao gồm chi phí thuê màn hình led). Hỗ trợ chi phí tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ hội nghị, hội thảo 50% chi phí biểu diễn nghệ thuật truyền thống Bình Định do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định thực hiện, nhưng không quá 8 triệu đồng/chương trình.
• Giám đốc Sở Du lịch TRẦN VĂN THANH:
Nghị quyết hết sức cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tiễn
Thời gian qua, Bình Định đã trở thành điểm đến mới, an toàn, thân thiện, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch được tập trung và từng bước hoàn thiện. Nhiều dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Đặc biệt, Bình Định có Trung tâm Hội nghị tỉnh với sức chứa hơn 1.000 chỗ ngồi và có Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành đã được sử dụng để tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế.
Trong những năm gần đây, khai thác thị trường du lịch MICE (du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, sự kiện) là một trong những mục tiêu của chiến lược phát triển ngành du lịch. Tỉnh đã và đang xây dựng, phát triển các sản phẩm, các chương trình du lịch mới phù hợp nhiều đối tượng khách nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Tuy nhiên, Bình Định là điểm đến mới, sức cạnh tranh để trở thành địa phương có thương hiệu trong phát triển dòng sản phẩm du lịch MICE còn hạn chế.
Việc HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết này là hết sức cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
• Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Ðịnh NGUYỄN PHẠM KIÊN TRUNG:
Tạo đột phá trong thu hút dòng khách du lịch cao cấp
Trong các phân khúc thị trường khách du lịch, khách dự hội nghị, hội thảo kết hợp với du lịch được các điểm đến quan tâm hàng đầu. Lý do là đối tượng khách này có mức chi tiêu cao, có sự ảnh hưởng và sức lan tỏa lớn; từ đó mang đến lợi ích lớn về kinh tế cho điểm đến, cho địa phương. Nghị quyết sẽ tạo bước đột phá trong việc thu hút dòng khách cao cấp này.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao giữa các địa phương có điểm đến tương đồng, việc tạo ra sự hấp dẫn khác biệt mang tính ảnh hưởng cao trong lựa chọn của các nhà tổ chức sự kiện và khách hàng là rất quan trọng. Nghị quyết được ban hành sẽ giúp cho các DN kinh doanh du lịch của Bình Định có thêm sức mạnh cạnh tranh, tạo đột phá trong việc thu hút dòng khách du lịch cao cấp về Bình Định, góp phần tăng cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân và góp phần tăng trưởng GRDP cho địa phương.
• Giám đốc Công ty Golden Life Travel Quy Nhơn NGUYỄN THỊ XUÂN LAN:
Doanh nghiệp Bình Định sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh
Nghị quyết này sẽ giúp cho DN du lịch có thêm lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành khi xây dựng các chương trình du lịch MICE, tổ chức hội nghị, hội thảo tại Bình Định. Đây cũng là cơ hội để Bình Định giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh về cơ sở hạ tầng du lịch tốt, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, di tích văn hóa - lịch sử giá trị, ẩm thực ngon, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, đa dạng của Bình Định như võ Bình Định, nghệ thuật tuồng, bài chòi…
Tuy vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN du lịch tiếp cận với các điều kiện hỗ trợ, cần có các chỉ dẫn về thủ tục, thực thi chính sách nhanh chóng, truyền thông lan tỏa rộng rãi.
2. Nghị quyết quy định một số chính sách bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định giai đoạn 2024 - 2028
Nghị quyết quy định một số chính sách bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại gồm nghệ thuật Hát bội (Tuồng) và nghệ thuật Bài chòi (sau đây gọi chung là các loại hình nghệ thuật truyền thống).
Một buổi tập luyện của các thành viên CLB Bài chòi dân gian phường Hoài Thanh (TX Hoài Nhơn). Ảnh: ĐVCC
Đối tượng áp dụng hỗ trợ là nghệ sĩ nghỉ hưu, nghệ nhân được cấp có thẩm quyền công nhận, đang thường trú trên địa bàn tỉnh; các CLB, các đoàn nghệ thuật ngoài công lập hoạt động biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống được thành lập và hoạt động trên địa bàn tỉnh; các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Đồng thời, hỗ trợ đối với nghệ sĩ nghỉ hưu, nghệ nhân luyện tập, biểu diễn và truyền dạy phục vụ công tác bảo tồn, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể nêu trên. Số buổi hỗ trợ theo quyết định của cơ quan được giao nhiệm vụ, bảo đảm trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.
Mức hỗ trợ gồm: Chi tiền luyện tập 180 nghìn đồng/người/buổi. Chi tiền biểu diễn 360 nghìn đồng/người/buổi. Về truyền dạy, đối với nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân Ưu tú là 800 nghìn đồng/người/buổi; NSND nghỉ hưu, NSƯT nghỉ hưu là 600 nghìn đồng/người/buổi; nghệ sĩ nghỉ hưu, nghệ nhân là 500 nghìn đồng/người/buổi. Mức chi tiền nước uống trong thời gian luyện tập, biểu diễn và truyền dạy là 20.000 đồng/người/buổi.
Đối với CLB (có thực hành, biểu diễn, truyền dạy ít nhất 12 buổi/năm), hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị (một lần) 30 triệu đồng/CLB. Hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm cho các CLB hoạt động thường xuyên, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn đạt hiệu quả, theo số lượng: CLB có từ 10 thành viên đến dưới 20 thành viên được hỗ trợ 5 triệu đồng/CLB/năm; CLB có từ 20 thành viên đến dưới 30 thành viên được hỗ trợ 10 triệu đồng/CLB/năm; CLB có từ 30 thành viên đến dưới 50 thành viên được hỗ trợ 15 triệu đồng/CLB/năm; CLB có từ 50 thành viên trở lên được hỗ trợ 25 triệu đồng/CLB/năm.
Đối với các đoàn nghệ thuật truyền thống ngoài công lập (có số buổi biểu diễn ít nhất 12 buổi/năm) mức hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị (một lần) 100 triệu đồng/đoàn; kinh phí tổ chức biểu diễn 2 triệu đồng/buổi, tối đa không quá 30 triệu đồng/đoàn/năm.
• NSND ÐẶNG MINH NGỌC, Phó trưởng Ðoàn tuồng Ðào Tấn, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh:
Tiếp sức cho các đoàn tuồng không chuyên
Tỉnh Bình Định hiện vẫn giữ được số lượng đoàn tuồng không chuyên nhiều nhất trong cả nước, với vai trò quan trọng đã được khẳng định từ xưa đến nay trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật Hát bội Bình Định. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các đoàn tuồng không chuyên đối mặt với những khó khăn, ít có nguồn thu từ biểu diễn để đầu tư trang thiết bị, cải thiện thu nhập cho nghệ nhân.
Do đó, Nghị quyết thể hiện sự quan tâm của tỉnh, góp phần để các đoàn tuồng không chuyên duy trì hoạt động, tiếp tục nỗ lực phục vụ khán giả ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, việc quy định cụ thể mức chi tiền truyền dạy đối với NSND, NSƯT, nghệ sĩ đã nghỉ hưu sẽ góp phần động viên những người có tài năng, giàu kinh nghiệm tích cực tham gia đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản đặc sắc của quê hương.
• Nghệ nhân Nhân dân MINH ÐỨC (ở huyện Phù Cát):
Rất phấn khởi trước sự quan tâm của tỉnh đối với nghệ nhân
Nghị quyết tiếp tục cho thấy tỉnh có nhiều sự quan tâm đối với việc bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống thông qua nhiều hình thức, đối tượng. Thực tế, có những nghệ nhân vất vả làm nhiều việc để kiếm sống, thu nhập thấp và không ổn định, có những người hoàn cảnh khó khăn như tôi nhưng vẫn cố gắng giữ “ngọn lửa” đam mê và nỗ lực cống hiến.
Mức chi tiền luyện tập, biểu diễn, truyền dạy như trong Nghị quyết cao hơn các mức thù lao tôi đã nhận khi tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị bài chòi dân gian nhiều năm qua. Tôi xúc động trước mức chi tiền truyền dạy dành cho nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân Ưu tú cao hơn so với mức của NSND, NSƯT đã nghỉ hưu. Điều này cho thấy tỉnh đã sâu sát, quan tâm phù hợp thực tế, khi hầu hết nghệ nhân chúng tôi đều đã cao tuổi, không có nguồn lương hưu…
• Nghệ nhân NGUYỄN VĂN RẠNG, Chủ nhiệm CLB bài chòi dân gian phường Hoài Thanh (TX Hoài Nhơn):
Hoạt động của câu lạc bộ sẽ khởi sắc hơn
CLB bài chòi dân gian phường Hoài Thanh được thành lập và hoạt động 10 năm qua, có 32 thành viên, tập luyện và sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần. Từ năm 2014, CLB được Trung tâm VH-TT&TT TX Hoài Nhơn hỗ trợ 9 chòi bằng tre để tổ chức hội đánh bài chòi dân gian, đến nay hư hỏng không sử dụng được. CLB không có kinh phí bồi dưỡng luyện tập, chủ yếu vận động từ nguồn xã hội hóa.
Nghị quyết được ban hành sẽ phát huy hiệu quả thiết thực đối với CLB, giúp tháo gỡ khó khăn về kinh phí phục vụ sinh hoạt, tập luyện, chủ động hơn trong tổ chức các hội đánh bài chòi dân gian phục vụ người dân.
Về quy định tiêu chí xét công nhận nghệ nhân để hưởng hỗ trợ thời gian tới, theo tôi cần phải đảm bảo các yếu tố khác, như nghệ nhân có nhiều cống hiến cụ thể, tích cực tham gia các hoạt động gầy dựng phong trào, được chứng nhận bởi các đơn vị chức năng; nếu tham gia các CLB thì phải có xác nhận của các thành viên cùng luyện tập, biểu diễn.
3. Nghị quyết về thí điểm, phân cấp cho huyện An Lão trong quản lý, tổ chức các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 - 2025
Hiện nay, việc triển khai thực hiện, giải ngân các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn huyện An Lão còn chậm, chưa đạt mục tiêu kế hoạch được giao. Trong đó, có một phần nguyên nhân do chưa chủ động được việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các chương trình, dự án. Bên cạnh đó, huyện An Lão là huyện thụ hưởng nguồn vốn (đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp) của 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. Do đó, việc phân cấp cho huyện sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG.
Khu tái định cư thôn 2 (xã An Toàn, huyện An Lão) được đầu tư theo nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ tạo điều kiện cho 45 hộ đồng bào Bana bị ảnh hưởng bởi thiên tai ổn định cuộc sống. Ảnh: D.Đ
Theo Nghị quyết về thí điểm, phân cấp cho huyện An Lão trong quản lý, tổ chức các chương trình MTQG giai đoạn 2024 - 2025, HĐND huyện An Lão được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình MTQG trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025.
• Phó trưởng Ban Dân tộc HÐND tỉnh ÐOÀN VŨ HÙNG:
Tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong điều hành, quản lý
Nghị quyết được ban hành là cơ sở pháp lý, giúp cho huyện An Lão có sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, quản lý, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG; đồng thời tăng cường vai trò của HĐND cấp huyện trong quá trình thực hiện.
Cùng với đó, Nghị quyết cũng sẽ gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các kế hoạch của chương trình MTQG; phát huy tính sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong việc triển khai các chương trình; giúp huyện chủ động hơn trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, thực hiện hiệu quả các chương trình trong thời gian tới.
Để đảm bảo Nghị quyết thực hiện hiệu quả, hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu đề ra, HĐND huyện An Lão khi điều chỉnh phương án phân bổ vốn, cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, chế độ hỗ trợ trực tiếp cho người dân, hộ gia đình thuộc nội dung thực hiện của các chương trình MTQG.
• Bí thư Ðảng ủy xã An Hưng ÐINH VĂN LANG:
Động lực giúp các địa phương phát triển
An Hưng là xã còn nhiều khó khăn của huyện An Lão. Nhờ nguồn vốn của các chương trình MTQG, thời gian qua, xã đã có nhiều thay đổi về hạ tầng, cuộc sống người dân dần ổn định. Hiện xã đạt 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 32,48% (153 hộ/471 hộ). Đặc biệt, hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn chưa đồng bộ; đất sản xuất hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ lẻ...
Chính vì vậy, khi Nghị quyết được ban hành và đi vào thực tiễn trong thời gian tới, cán bộ và nhân dân xã An Hưng mong muốn nguồn vốn từ các chương trình MTQG sẽ sớm được HĐNĐ, UBND huyện thông qua, quá trình thực hiện được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đồng thời tỷ lệ giải ngân cao và đúng tiến độ.
Qua đó, hỗ trợ các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất; hỗ trợ sinh kế giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nâng cao chất lượng cuộc sống; xóa nhà tạm, nhà dột nát, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới… góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
• Ông ÐINH VĂN NGỮ, người dân thôn 2, xã An Toàn, huyện An Lão:
Người dân mong chờ hiệu quả cụ thể từ Nghị quyết
Là người dân địa phương được thụ hưởng trực tiếp 3 chương trình MTQG, tôi rất quan tâm đến vấn đề đặt ra từ Nghị quyết. Khi Nghị quyết đi vào thực tế, chúng tôi mong sẽ có những chính sách ưu tiên nguồn vốn cho các xã đặc biệt khó khăn có điều kiện xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Bà con sớm được thụ hưởng các chế độ, chính sách để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần…
Người dân chúng tôi mong Nghị quyết sẽ được các cấp, ngành huyện An Lão thực hiện tốt với những hiệu quả cụ thể, góp phần giúp huyện An Lão giảm dần khoảng cách với các địa phương khác trong tỉnh.
NHÓM PV XÂY DỰNG ÐẢNG