Phát triển mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội cấp xã, phường, thị trấn: Còn nhiều khó khăn
Công tác xã hội (CTXH) đã được thừa nhận là một nghề, nên việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ cộng tác viên nhằm đáp ứng tình trạng gia tăng số lượng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, người già, người khuyết tật... là hết sức cần thiết. Song công tác này hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Sau 4 năm triển khai Đề án 32 của Thủ tướng chính phủ về phát triển nghề CTXH, nhiều xã, phường, thị trấn đã có lực lượng cộng tác viên CTXH. 100% cộng tác viên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng về CTXH chuyên nghiệp. 85% trong số đó đã có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng về CTXH, số còn lại đang theo học để đạt chuẩn theo quy định.
Đội ngũ cộng tác viên CTXH cấp xã sẽ góp phần tích cực xây dựng hệ thống an ninh xã hội.
- Trong ảnh: Nhân viên Trung tâm BTXH tỉnh chăm sóc trẻ khuyết tật.
Nhận thức về nghề còn hạn chế
Cộng tác viên CTXH được UBND cấp xã, phường, thị trấn hợp đồng với mức 920 ngàn đồng/người/tháng và được cấp thẻ BHYT. Tuy nhiên, khái niệm về nghề vẫn còn khá mới mẻ, nhiều người vẫn quan niệm nghề CTXH là đi làm tình nguyện, từ thiện, giúp đỡ người nghèo trong xã hội.
Anh Võ Đình Dương - 28 tuổi, đã nộp hồ sơ xét vào vị trí cộng tác viên CTXH của xã Cát Minh, huyện Phù Cát - cho rằng: “Tôi nghĩ người làm cộng tác viên CTXH trước hết phải có lòng nhiệt tình, giúp các đối tượng kém may mắn có cơ hội ổn định cuộc sống. Tôi nhận thấy mình có nhiều tố chất để ứng tuyển vào vị trí này”.
Trong thực tế, nghề CTXH được hình thành nhằm hỗ trợ các cá nhân, nhóm xã hội và cộng đồng dân cư giải quyết các vấn đề phát sinh, giúp hòa nhập bền vững. Đối tượng phục vụ của họ hết sức đa dạng: người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí; người nhiễm HIV/AIDS; trẻ em; người nghèo; nạn nhân buôn bán; nạn nhân của bạo lực gia đình và phân biệt đối xử về giới; đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp... Để làm được nghề, họ phải thâm nhập, sâu sát với địa bàn dân cư để tham mưu tích cực cho UBND cấp xã trong thực hiện các chế độ chính sách, trợ giúp xã hội về bảo vệ trẻ em; giúp đỡ các gia đình xảy ra mâu thuẫn; hỗ trợ tâm lý, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; bảo trợ người khuyết tật...
Song, nhận thức chưa đầy đủ về nghề đang dẫn đến một thực trạng là nhiều cá nhân sau khi được ký hợp đồng đã bị khối lượng công việc đồ sộ làm cho chán nản và rời bỏ vị trí này ngay khi tìm được một công việc khác. Vậy nên, việc tuyển chọn được người gắn bó lâu dài với vị trí cộng tác viên CTXH đang là vấn đề đau đầu của các địa phương, đặc biệt đối với các huyện miền núi.
Ông Phạm Công Tiến, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Vân Canh, cho biết, địa phương hiện có hơn 1.000 đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH). Việc hình thành được đội ngũ này có ý nghĩa lớn trong công tác an sinh xã hội, nhưng phần đông người dân địa phương đều chưa hình dung về nghề CTXH. “Chọn được một người đảm nhận vị trí này ở các xã đồng bằng đã khó, với các xã vùng cao càng nan giải. Nhân sự tại vị trí này của 7 xã, thị trấn của Vân Canh luôn trong tình trạng biến động”, ông Tiến chia sẻ.
Còn nhiều khó khăn
Tính đến 30.7.2014, toàn tỉnh có 62.493 đối tượng BTXH đang hưởng trợ cấp của Nhà nước. Trong đó, có 39.244 người cao tuổi; 21.067 người khuyết tật; 1.632 người đơn thân nuôi con nhỏ; 393 trẻ em mồ côi và 155 hộ gia đình nhận nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi. Trừ 695 đối tượng đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại 3 cơ sở BTXH (2 cơ sở công lập, 1 cơ sở ngoài công lập), số lượng người yếu thế tại cộng đồng còn quá lớn. Vì thế, cần một đội ngũ cộng tác viên CTXH cấp xã, phường, thị trấn tham gia giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh, giảm bất bình đẳng và mâu thuẫn, góp phần thúc đẩy công bằng xã hội.
Trên thực tế, Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ về Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 đã được triển khai từ 4 năm nay. Song, ngoài đội ngũ cán bộ, nhân viên đang làm việc tại các hội, đoàn thể, trung tâm BTXH, cán bộ LĐ-TB&XH cấp huyện, xã, chúng ta vẫn gặp khó trong việc xây dựng cộng tác viên CTXH cấp xã.
Mặt khác, dù đã có yêu cầu về chứng chỉ đã tham gia tập huấn hoặc có bằng cấp về nghiệp vụ CTXH, tâm lý, xã hội học, giáo dục đặc biệt và các chuyên ngành xã hội khác phù hợp (từ năm 2015, phải đạt chuẩn tối thiểu trình độ Trung cấp nghề CTXH), nhiều người vẫn lo ngại về tính chuyên nghiệp của lực lượng này. Chính sự công nhận của xã hội về nghề chưa đầy đủ cũng là một thách thức trong phát triển đội ngũ cộng tác viên CTXH...
“Để hạn chế những hạn chế đó, chúng tôi xác định nhiệm vụ đầu tiên là phải thay đổi nhận thức của các cấp, ngành và người dân về vai trò, vị trí của nghề CTXH. Ngành LĐ-TB&XH cũng sẽ tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, song song với giám sát, đánh giá chất lượng hướng đến mục tiêu chuyên nghiệp hóa đội ngũ, phục vụ thực tiễn đời sống. Ngoài ra, tranh thủ Dự án hỗ trợ người khuyết tật của Tổ chức Development Alternative Inc. (DAI) và Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH) để nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên CTXH cấp xã”, ông Phan Đình Hòa, Trưởng phòng BTXH Sở LĐ-TB&XH cho biết.
Đề án 32 về Phát triển nghề CTXH trên địa bàn tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2015, mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 cán bộ chuyên trách nghề CTXH; khoảng 30% xã, phường, thị trấn có cộng tác viên. Đồng thời, toàn tỉnh sẽ xây dựng 1 mô hình điểm Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH. Giai đoạn 2016-2020 sẽ phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH của 70% số xã, phường, thị trấn còn lại; phấn đấu 50% số huyện, thị xã, thành phố xây dựng Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH của địa phương...
NGUYỄN MUỘI
Xin chào! Mình tên Trang- Mình muốn biết thông tin về vấn đề làm cộng tác viên cho Báo Bình Định: yêu cầu, quyền lợi... Vui lòng trả lời sớm giúp mình nhé. Cảm ơn.