Ưu tiên nguồn lực cho tín dụng chính sách - giúp người dân thoát nghèo
Ngày 22.11.2014, Ban Bí thư khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện đã trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách, trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo cơ hội phát triển bền vững cho mọi tầng lớp nhân dân.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40- tín dụng chính sách đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tính đến ngày 30.4 năm nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 367.305 tỷ đồng, tăng 232.632 tỷ đồng (gấp 2,8 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 10,4%...
Tín dụng chính sách - giúp người dân thoát nghèo
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách xã hội còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội tuy đã được quan tâm bổ sung hằng năm nhưng còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và đảm bảo tính bền vững. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại một số tỉnh còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển KT-XH…
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa đề xuất cần ưu tiên nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội thời gian tới:
"Tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Chỉ đạo, rà soát, sửa đổi bổ sung hoàn thiện các chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội. Trong đó cần nâng mức và tăng thời hạn cho vay; cho vay bổ sung đối tượng, chính sách ưu đãi phù hợp với từng thời kỳ. Đồng thời, bảo đảm đồng bộ kịp thời trong kết hợp thực hiện chính sách tín dụng với chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước".
Để giúp cho người dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dễ dàng, cần tăng cường chuyển đổi số thời gian tới
Còn theo bà Lê Thị Thanh Tâm, Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, để giúp cho người dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dễ dàng, cần tăng cường chuyển đổi số, tạo điều kiện để ngân hàng tiếp cận khách hàng nhanh chóng với chi phí rẻ hơn và nâng cao chất lượng dịch vụ. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội:
"Tiếp tục tập trung thị phần tài chính vi mô phát triển đa dạng các sản phẩm ngân hàng số và đa dạng sản phẩm. Tăng cường năng lực tài chính, tích cực, nâng cao chất lượng nhân lực, hoàn thiện công tác quản lý rủi ro mở rộng đối tượng khách hàng. Áp dụng tăng cường chuyển đổi số để giảm chi phí hoạt động lâu dài, tăng mức độ tiếp cận phát triển thử nghiệm các sản phẩm tín dụng xanh, áp dụng lãi suất linh hoạt".
Cùng với đó, để giúp người dân thoát nghèo bền vững, thì việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội, quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn qua Ngân hàng chính sách xã hội cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Nguyễn Hằng (VOV1)