Khai mạc Triển lãm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam
Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức triển lãm với chủ đề "Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam - Mốc son lịch sử của Ngoại giao cách mạng Việt Nam".
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và đại biểu khai mạc triển lãm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Sáng 15.7, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức triển lãm với chủ đề "Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam - Mốc son lịch sử của Ngoại giao cách mạng Việt Nam”.
Khai mạc triển lãm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ cách đây 70 năm, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Với thắng lợi này, lần đầu tiên trong lịch sử, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế và được các nước, các bên tham dự Hội nghị thừa nhận và tôn trọng.
Thắng lợi này cũng mở ra cục diện chiến lược mới để Việt Nam tiến tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hiệp định Geneva cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đã tạo nguồn cảm hứng và cổ vũ to lớn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên khắp năm châu, vì độc lập, tự do, hòa bình, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội; mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và đại biểu xem sách ảnh “Hiệp định Geneva 1954 - Dấu mốc lịch sử trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam”. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva là dịp để chúng ta hiểu sâu sắc hơn những bài học lịch sử quý báu, còn nguyên giá trị và cùng nhau xây dựng hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn.
Trải qua nhiều cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, Việt Nam hết sức trân trọng giá trị của hòa bình, luôn đề cao và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đóng góp hết sức mình vào hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, tiếp tục quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh và các bài học còn nguyên giá trị của Hiệp định Geneva, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định ngành Ngoại giao phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Với khoảng 120 ảnh, tài liệu và hiện vật, trong đó có những tài liệu và hiện vật về Hiệp định Geneva lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng, Triển lãm "Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam - Mốc son lịch sử của Ngoại giao cách mạng Việt Nam”, tái hiện quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva, qua đó giúp đông đảo các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn tầm vóc và ý nghĩa của Hiệp định Geneva, cảm nhận trực quan sinh động hơn về ý chí quật cường của dân tộc ta trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như bản lĩnh và bản sắc độc đáo, đặc sắc của ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Triển lãm mở cửa từ ngày 15.7 đến ngày 5.9.
Bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, dự khai mạc triển lãm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao phối hợp với Nhà xuất bản Thông tấn thuộc Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu tới bạn đọc trong nước và quốc tế cuốn sách ảnh "Hiệp định Geneva 1954 - Dấu mốc lịch sử trong sự nghiệp Cách mạng Việt Nam" với mong muốn cùng độc giả ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, làm sâu sắc hơn nữa tầm vóc và ý nghĩa của thắng lợi đặc biệt quan trọng này.
Cuốn sách là nỗ lực sưu tầm, tập hợp và biên soạn từ hàng ngàn bức ảnh để chọn lựa hơn 250 bức ảnh từ nguồn ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, của gia đình đồng chí Tạ Quang Bửu - người tham gia đàm phán tại Hội nghị, và đặc biệt là có những bức ảnh mới được công bố như của Đại sứ quán Thụy Sĩ về Hội nghị.
Cuốn sách sẽ giúp bạn đọc tiếp cận gần hơn với sự kiện lịch sử, những thông tin ghi dấu một chương vẻ vang trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung, của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam nói riêng.
Theo Việt Đức (TTXVN/Vietnam+)