Nga lần đầu tung bằng chứng dùng 'siêu bom' ở Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga công bố video thả bom FAB-3000 xuống lãnh thổ Ukraine, biến đây thành loại bom mạnh mẽ nhất từng được Nga sử dụng trong cuộc chiến tại đây.
Ảnh chụp màn hình video được Bộ Quốc phòng Nga đăng tải ngày 14.7 cho thấy khoảnh khắc bom FAB-3000 vừa được thả từ tiêm kích Su-34
Ngày 14.7, Bộ Quốc phòng Nga đăng trên tài khoản Telegram chính thức một video ghi lại quá trình thả "siêu bom" FAB-3000 xuống lãnh thổ Ukraine.
Dù đã có đồn đoán về việc Matxcơva sử dụng loại bom này tại Ukraine từ trước, song đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Nga công khai thừa nhận điều đó.
Với tổng khối lượng 3.000kg, trong đó thuốc nổ chiếm đến gần 1.500kg, FAB-3000 là một trong những quả bom phi hạt nhân có sức công phá lớn nhất trong kho khí tài của Nga.
Đây cũng là loại bom thả từ trên không mạnh mẽ nhất từng được quân đội Nga công khai sử dụng tại Ukraine.
Đoạn video với tiêu đề "Không thể phớt lờ sức mạnh chiến đấu của loại bom này" cho thấy quá trình đưa một quả bom FAB-3000 lên tiêm kích Su-34. Quả bom được gắn dưới giá treo trung tâm trên khung thân chiếc chiến đấu cơ.
Sau đó, FAB-3000 được phi hành đoàn Su-34 thả từ một độ cao tương đối lớn, giúp tối đa tầm bay của bom. Chiếc tiêm kích tiếp tục theo dõi hành trình của quả bom và xác nhận được khí tài này đánh trúng mục tiêu.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định: "Một phi hành đoàn tiêm kích ném bom Su-34 đã dùng bom FAB-3000 tấn công một điểm tập trung tạm thời của quân đội Ukraine. Quả bom đã được tích hợp module UMPK (loại module dẫn đường giúp biến bom thường thành bom lượn).
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bay, phi hành đoàn đã quay về điểm khởi hành an toàn. Dựa trên đối chiếu khách quan, mục tiêu đã bị đánh trúng".
Trang tin quân sự Army Recognition Group sau đó cũng khẳng định mục tiêu của cuộc tấn công vừa rồi là điểm tập trung quân Ukraine tại vùng Kharkov đã bị trúng bom.
Được phát triển từ thời Liên Xô, thiết kế của FAB-3000 hướng tới việc tiêu diệt các mục tiêu lớn như cơ sở công nghiệp, đập thủy điện, boong-ke, công sự...
Do đó loại bom này có sức công phá vô cùng khủng khiếp. Dù có bị thả lệch đến hơn 100m so với mục tiêu, loại bom này vẫn có thể tiêu diệt các công trình trên.
Việc sản xuất hàng loạt loại bom này từng bị gián đoạn trong một thời gian, song được khởi động lại từ tháng 2.2024.
Trong lần trở lại này, những quả FAB-3000 được tích hợp UMPK và trở thành bom lượn. Điều này cho phép tiêm kích Nga thả quả bom này ở khoảng cách xa mục tiêu lên đến 50km - ngoài tầm bắn hầu hết hệ thống phòng không tầm ngắn và tầm trung.
Do đó, không quân Nga có thể tha hồ triển khai FAB-3000 mà không sợ bị bắn hạ. Thực tế, chính việc sử dụng rộng rãi bom lượn đã mang lại cho Nga nhiều lợi thế to lớn trên chiến trường Ukraine.
Đến nay, Ukraine chưa phản hồi những tuyên bố trên của Bộ Quốc phòng Nga.
Theo NGỌC ĐỨC (TTO)