Hướng đến an sinh xã hội bền vững
Đảm bảo an sinh xã hội bền vững là mục tiêu hướng đến của nhiều nghị quyết được HĐND tỉnh khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7. Báo Bình Định trân trọng giới thiệu 3 nghị quyết.
Các y, bác sĩ TTYT huyện Tuy Phước tổ chức khám bệnh,tư vấn sức khỏe và phát thuốc miễn phí cho người dân thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn xãPhước Thắng, ngày 9.3.2024. Ảnh: MỘC MIÊN
Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ trong khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo và một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn
Theo Nghị quyết, đối tượng áp dụng là người dân đang cư trú trên địa bàn tỉnh thuộc các nhóm: Người thuộc hộ nghèo theo quy định hiện hành của Nhà nước; người dân tộc thiểu số sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định hiện hành của Nhà nước; người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim gặp khó khăn, không đủ khả năng chi trả viện phí.
Về nguyên tắc hỗ trợ, người bệnh lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến hoặc khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu thì không được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết này.
Về nội dung và mức hỗ trợ, hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng thuộc hộ nghèo và người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn trong thời gian điều trị nội trú ở các cơ sở y tế công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh từ tuyến huyện trở lên. Mức hỗ trợ 60.000 đồng/người/ngày.
Hội CTĐ tỉnh kết nối nhà hảo tâm tặng quà cho bệnh nhân chạy thận tại Khoa Nội thận - Lọc máu, BVĐK tỉnh. Ảnh: T.K
Các đối tượng này còn được hỗ trợ tiền đi lại từ nơi ở đến cơ sở y tế, từ cơ sở y tế về nơi ở và chuyển bệnh viện trong thời gian điều trị nội trú tại các cơ sở y tế công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh từ tuyến huyện trở lên đối với các trường hợp cấp cứu, tử vong tại cơ sở y tế hoặc trường hợp bệnh quá nặng, người nhà có nguyện vọng đưa về nhà nhưng không được BHYT chi trả. Mức hỗ trợ tương ứng với 0,2 lít xăng/km (tính theo quãng đường di chuyển thực tế và giá xăng tại thời điểm sử dụng) và các chi phí cầu, phà, phí đường bộ (nếu có).
Đối với người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim gặp khó khăn, không đủ khả năng chi trả viện phí, hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phần người bệnh phải đồng chi trả theo quy định hiện hành của Nhà nước về BHYT.
Có 3 mức hỗ trợ tương ứng với số tiền người bệnh phải đồng chi trả, gồm: Từ 5 triệu đồng trở xuống hỗ trợ 40%; từ trên 5 - 10 triệu đồng hỗ trợ 50%; trên 10 triệu đồng hỗ trợ 60%. Tổng kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/người bệnh/đợt điều trị. Người bệnh được hỗ trợ không quá 4 đợt điều trị/năm.
Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện, thị xã, thành phố theo quy định phân cấp hiện hành.
*Giám đốc TTYT TX An Nhơn LÊ THÁI BÌNH: Chính sách có giá trị nhân đạo rất sâu sắc
Với bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim, bệnh nhân phải điều trị rất tốn kém và lâu dài. Nhiều bệnh nhân và gia đình gặp khó khăn trong việc chi trả các chi phí, từ đó không thực hiện đầy đủ các bước trong phác đồ điều trị. Do vậy, chính sách hỗ trợ mới ban hành này mang ý nghĩa nhân đạo rất sâu sắc, ngoài giải quyết vấn đề chi phí còn giúp bệnh nhân yên tâm hợp tác với bác sĩ trong việc điều trị.
Tuy nhiên, tôi mong rằng trong quá trình xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, các cấp, ngành liên quan cần xem xét chu toàn để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân nghèo.
Bởi, trên thực tế sau nhiều năm thực hiện Quyết định số 62/2020/QĐ-UBND ngày 8.9.2020 của UBND tỉnh về việc Ban hành quy định một số chế độ hỗ trợ trong khám, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Định, đã có một số khó khăn.
Theo đó, khi thực hiện Quyết định số 62/2020/QĐ-UBND hằng năm có rất ít người bệnh được hỗ trợ do điều kiện khắt khe. Cụ thể, để người bệnh được hỗ trợ, chúng tôi phải gửi hồ sơ qua cơ quan BHXH cùng cấp giám định, đề nghị hỗ trợ. Nhiều hồ sơ bị loại vì bác sĩ kê thuốc ngoài danh mục của BHXH dù vẫn được công nhận lưu hành ở thị trường Việt Nam. Hoặc ở nhiều cơ sở y tế bị quá tải, người bệnh phải nằm ghép. Khi người bệnh xin qua nằm phòng khác thì bị tính là phòng dịch vụ nên không được thanh toán. Năm 2023, TX An Nhơn không có bệnh nhân nào được hỗ trợ và trên toàn tỉnh cũng rất ít.
*Ông SÔ Y TUẤN, người uy tín làng Canh Thành (xã Canh Hòa, huyện Vân Canh): Người dân rất phấn khởi!
Làng Canh Thành của chúng tôi có 115 hộ với gần 500 nhân khẩu, trong đó có 30 hộ nghèo. Hiểu được cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây, những năm qua Đảng, Nhà nước đã có những chính sách, chủ trương thiết thực lo cho dân, đặc biệt là dân nghèo.
Ngoài đảm bảo hệ thống cơ sở y tế, Nhà nước còn hỗ trợ BHYT, người dân được khám, chữa bệnh miễn phí. Trong quá trình ăn ở, đi lại, Nhà nước vẫn tiếp tục hỗ trợ, người dân rất phấn khởi. Được biết, với Nghị quyết này, mức hỗ trợ tiền ăn sẽ tăng hơn trước, phù hợp hơn khi mức sống ngày càng tăng.
Xin cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân nghèo, trong đó có người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
*Bà NGUYỄN THỊ QUẾ HƯƠNG, bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nội thận - Lọc máu, BVĐK tỉnh: Người bệnh nghèo được tiếp sức
9 năm ròng rã phải chạy thận nhân tạo, tôi hiểu được sự khó khăn, vất vả của không chỉ người bệnh mà còn cả người nhà của họ. Đối với những gia đình khá giả, việc phải điều trị bệnh lâu dài đã khó, với những gia đình nghèo còn khó khăn hơn. Do vậy, sự quan tâm của các cấp là niềm an ủi, động viên và là động lực giúp những bệnh nhân nghèo tiếp tục có cơ hội được điều trị, kéo dài sự sống.
Mong rằng, sau khi ban hành, Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, hỗ trợ kịp thời cho những bệnh nhân nghèo gặp khó khăn trong việc chi trả chi phí điều trị.
Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ học sinh xã Nhơn Châu trong thời gian học tập tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh
Theo Nghị quyết, từ năm học 2024 - 2025 trở đi, học sinh đang thường trú tại xã Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) hiện theo học tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ các khoản như sau: Hỗ trợ 100% mức thu học phí do HĐND tỉnh quy định; tiền ăn là 540 nghìn đồng/học sinh/tháng; tiền nhà ở là 180 nghìn đồng/học sinh/tháng; chi phí học tập là 150 nghìn đồng/học sinh/tháng; tiền đò là 200 nghìn đồng/học sinh/tháng. Các khoản hỗ trợ được trích từ ngân sách tỉnh.
Thời gian hưởng chính sách hỗ trợ là hằng tháng, tính theo thời gian học tập thực tế tối đa 9 tháng/năm học. Học sinh năm cuối cấp THPT được hưởng chính sách theo quy định trên nhưng không quá 10 tháng/năm học. Tháng thứ 10 của năm học, học sinh chỉ được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và tiền đò. Nếu học sinh bỏ học thì không tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ này (kể từ thời điểm học sinh bỏ học theo xác nhận của nhà trường, nơi học sinh theo học).
Ngoài ra, trường hợp học sinh đã được hưởng chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo các chính sách của Trung ương ban hành thì ngân sách địa phương tiếp tục hỗ trợ phần chênh lệch giữa các mức hỗ trợ của chính sách của Trung ương và mức hỗ trợ theo Nghị quyết trên.
*Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân NGUYỄN XUÂN PHƯƠNG: Tiếp sức trên hành trình vượt biển tìm con chữ
Qua các năm, số lượng học sinh ở xã đảo Nhơn Châu theo học tại Trường đã tăng lên. Trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 vừa rồi, có 18 em trúng tuyển vào Trường, cao nhất từ trước đến nay. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy các em đã dần ý thức được tầm quan trọng của việc học.
Thực tế, có nhiều học sinh Nhơn Châu đi làm thêm sau giờ học hoặc trong dịp hè để phụ giúp gia đình trang trải các khoản chi tiêu và chuẩn bị cho năm học mới.
Với chính sách hỗ trợ mới của HĐND tỉnh, các em như được chắp thêm đôi cánh trong hành trình vượt biển tìm con chữ, giúp các em đỡ vất vả và có nhiều thời gian cho việc học. Chúng tôi mong rằng, với chính sách hỗ trợ mới, các em sẽ đạt nhiều thành tích cao trong học tập.
*Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu HỒ NHẬT LỆ: Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương
Năm học 2024 - 2025, xã Nhơn Châu có 40 học sinh theo học tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh, chỉ riêng trong đợt tuyển sinh vào lớp 10 vừa rồi có 20 em trúng tuyển.
Trước kia, học sinh khi học THPT ở nội thành TP Quy Nhơn chỉ được giảm học phí và hỗ trợ tiền thuê trọ 400 nghìn đồng/học sinh/tháng. Với chính sách mới, học sinh được hỗ trợ toàn diện, đáp ứng các nhu cầu cấp thiết trong sinh hoạt. Đây là niềm vui chung của người dân toàn xã và chính quyền địa phương.
Hiện nay, đời sống của người dân tại xã đảo đã dần khởi sắc nhờ vào khai thác, nuôi trồng thủy sản và ngành kinh tế mũi nhọn là dịch vụ du lịch biển đảo. Để phát huy những tiềm năng của địa phương, việc quan tâm đến nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng. Chính sách này không chỉ tạo điều kiện để học sinh vượt khó đến trường, mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của xã trong tương lai.
*Ông NGUYỄN VĂN LỢI, người dân thôn Đông (xã Nhơn Châu): Giảm bớt nỗi lo “thiếu trước hụt sau”
Chúng tôi rất phấn khởi khi biết các con mình sẽ được hỗ trợ thêm các chi phí khi vào đất liền học tập. Thu nhập của gia đình rất bấp bênh, các con lần lượt vào đất liền đi học; tháng nào gia đình tôi cũng phải đối mặt với việc “thiếu trước hụt sau”, phải tính toán làm sao để đảm bảo các con không bị thiếu thốn, không phải đi làm thêm ảnh hưởng đến việc học.
Chính sách mới được ban hành là niềm an ủi, động viên rất lớn đối với người dân chúng tôi, giúp gia đình giảm bớt áp lực kinh tế, cuộc sống “dễ thở” hơn. Riêng các cháu, khi nghe qua chính sách mới đã đặt quyết tâm chinh phục kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi đỗ đại học.
Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 15/2021/ NQ-HĐND về quy định mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội
Sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND đã góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội, kịp thời giúp các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng yếu thế giảm bớt khó khăn, gia đình của họ vươn lên, hòa nhập cộng đồng.
Ngày 1.7.2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15.3.2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp xã hội được điều chỉnh từ 360 nghìn đồng/tháng lên 500 nghìn đồng/tháng.
Từ năm 2013 đến nay, Trung ương đã điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp xã hội tăng 3 lần. Tuy nhiên, mức chuẩn trợ giúp xã hội vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu, trong khi đó giá của các loại hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ngày càng tăng, đời sống của các đối tượng bảo trợ xã hội (người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi…) thuộc hộ nghèo, cận nghèo còn gặp nhiều khó khăn, khó có cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Vì vậy, cần một chính sách hỗ trợ thêm đối với các đối tượng trợ giúp xã hội thuộc hộ nghèo, cận nghèo và tiếp tục duy trì chính sách một thời gian sau khi thoát nghèo, thoát cận nghèo để ổn định đời sống, giúp họ yên tâm thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ thêm từ ngân sách tỉnh kể từ ngày 1.8.2024.
- Trong ảnh: Đối tượng bảo trợ xã hội nhận chế độ trợ cấp hằng tháng tại Bưu điện Quy Nhơn. Ảnh: N.M
Tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 27.7.2021 của HĐND tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội: Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 1.7.2024 của Chính phủ (500 nghìn đồng/tháng).
Mặt khác, ngoài mức trợ giúp xã hội thực hiện theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP và Nghị định số 76/2024/NĐ-CP, các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ thêm 180 nghìn đồng/người/tháng và tiếp tục được hưởng mức hỗ trợ nêu trên trong thời gian 36 tháng kể từ khi cơ quan có thẩm quyền công nhận hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo. Chính sách hỗ trợ thêm quy định tại điểm này được thực hiện kể từ ngày 1.8.2024.
* Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước NGUYỄN VĂN QUÍ: Thêm chính sách trợ lực công tác giảm nghèo
Là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND huyện về thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn, thời gian qua, chúng tôi rất trăn trở về việc làm sao để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo có thành viên là đối tượng bảo trợ xã hội thật sự vươn lên, có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nghị quyết mới ban hành rất ý nghĩa, giàu tính nhân văn. Với chính sách này, từ ngày 1.7.2024, mức chuẩn trợ giúp xã hội là 500 nghìn đồng/tháng, tăng 38,9% so với mức cũ (360 nghìn đồng/tháng). Đây là điều rất đáng mừng đối với các đối tượng bảo trợ xã hội nói chung.
Bên cạnh đó, khoản hỗ trợ mới sẽ “tiếp sức” cho các hộ nghèo, cận nghèo có thành viên là đối tượng bảo trợ xã hội trên hành trình vươn lên thoát nghèo. Đây cũng là chính sách phần nào “gỡ khó” cho các địa phương trong thực hiện công tác giảm nghèo; thể hiện sự lắng nghe, đồng hành, chia sẻ của tỉnh với hộ nghèo, cận nghèo, tăng niềm tin, sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân.
*Bà TRẦN THỊ CHÁU TRANG, người thuộc hộ nghèo ở thôn Ngãi Chánh (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn): Thêm động lực vươn lên
Tôi là người khuyết tật vận động với chân phải bị liệt. Chồng tôi cũng là người khuyết tật đặc biệt nặng khi hai chân và tay trái bị liệt. Chồng tôi ở nhà với tiệm tạp hóa nhỏ để có niềm vui lao động, được gặp gỡ mọi người. Gia đình tôi chủ yếu sống dựa vào khoản trợ cấp của Nhà nước và nguồn thu nhập từ việc bán vé số của tôi.
Tôi được hưởng tuất liệt sĩ (hơn 2 triệu đồng/tháng), chồng tôi hiện được hỗ trợ 720 nghìn đồng/tháng (theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP). Cộng với mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng, tiền lời từ việc bán vé số, mỗi tháng, tôi dành riêng một khoản “cứng” 3 triệu đồng cho con gái đang học đại học tại TP Quy Nhơn, còn lại trang trải cho 2 vợ chồng và đứa con nhỏ sắp vào lớp 9. Nói chung là phải “chạy cơm từng bữa”, nếu không có sự hỗ trợ từ chính sách, chúng tôi sẽ còn khó khăn nhiều hơn nữa.
Khi nghe thông tin về việc tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội và tỉnh có thêm chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo, cận nghèo, tôi rất mừng. Với tôi, đó là động lực để tiếp tục cố gắng, vươn lên.
* Bà TRẦN THỊ NĂM HƯƠNG, người thuộc hộ cận nghèo ở thôn An Hòa (xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn): Thêm vài trăm nghìn đồng mỗi tháng với người yếu thế quý lắm!
Hai vợ chồng tôi đều là người khuyết tật vận động, mưu sinh bằng công việc bán vé số dạo. Bán được một tờ vé số chúng tôi lời được 1.200 đồng. Ngày nào bán được 50 tờ vé số là đã rất mừng. Mức hưởng trợ cấp xã hội của chúng tôi hiện là 540 nghìn đồng/người/tháng (theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP). Vợ chồng tôi cố gắng chi tiêu thật tiết kiệm. Trước mắt chăm lo cho những thứ thiết yếu, chứ chưa đủ khả năng để tích lũy, dành dụm cho lâu dài.
Khi mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng, mức hỗ trợ hằng tháng của vợ chồng tôi sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ riêng cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và kéo dài hỗ trợ này sau khi thoát hộ nghèo, cận nghèo. Tôi tin rằng, đây là niềm vui chung của rất nhiều người yếu thế, bởi kiếm thêm vài trăm nghìn mỗi tháng không dễ dàng.
NHÓM PV XÂY DỰNG ĐẢNG