Ngăn tủ của mẹ
* Truyện ngắn của DƯƠNG HẰNG
Mây ùn ùn kéo theo hơi nước mọng. Trời nổi cơn giông gió, quét bụi trắng cả một quãng đường trước mặt. Con bé vội vàng chạy vào bếp lấy cái ghế nhựa, đứng nhón chân hết cỡ cũng rút được quần áo trên sào phơi đã cũ. Con bé cũng khéo, ôm rất gọn gàng mớ quần áo bùng nhùng vào lòng mình, chạy một mạch vào giường. Rồi quay ra, hóng mẹ. Mẹ chìm lút trong bụi mờ trắng xóa, đến gần cổng bóng mẹ mới hiện ra dần. Tiếng xích khô dầu kêu ken két khiến vòng xe thêm nặng.
Mẹ dựng xe ở chái nhà, nói với con khép cửa nhà cho khỏi bụi, rồi tức tốc ra sau vườn lùa đàn vịt vào chuồng. Con bé vâng dạ, chốt kín cửa cả hai gian, ngó nghiêng qua lớp kính đục, để chỉ kịp thấy bóng mẹ.
* * *
Con bé tên Bống, chín tuổi, nhỏ thó và tinh nghịch. Bống bảo thích cái tên này chỉ vì tên do ba đặt. Ba Bống trở về xóm này khi con bé còn chưa tròn vành tiếng nói. Những lần gặp còn lại là trong những giấc mơ về ba được vun từ mảnh ký ức của mẹ và những câu chuyện ở biển đảo qua lá thư ba gửi. Từ khi Bống vào lớp 2, Bống bắt đầu viết thư cho ba. Con bé kể đủ chuyện, khoe với ba điểm mười môn Toán; cô giáo bảo phải mua giấy thủ công mà dạo này mưa ngâu dai dẳng, lúa chưa khô nắng, chưa bán được; chuyện thằng Mỡ bị đỉa bám lúc đi nhặt ốc, nhảy cầng cẫng khắp cả đồng. Rồi chuyện môn Mỹ thuật tuần sau là vẽ gia đình em, Bống chẳng biết mặt ba thế nào cả, nằng nặc viết thư đòi ba xin tấm ảnh. Ba gửi thư về bảo không thể đi xa để chụp được. Con bé buồn mấy ngày trời. Cái mũi Bống chun lại, đăm chiêu nhìn bức tranh đang khuyết một người cha. Mẹ bảo vẽ đại một người đàn ông nào đó vào mà nộp cho nhanh, không thì cứ vẽ bác Minh, cậu Tam vào, nghĩ ngợi gì cho mệt óc.
Lá thư sau ba hứa một ngày gần nhất sẽ gửi cho Bống một tấm ảnh có chụp cả biển đảo mênh mông. Ngày của con bé bỗng vui như Tết. Ba khất lần khất lượt, con bé đợi ngót năm trời vẫn chẳng thấy một tấm ảnh nào gửi về. Mỗi lần giở những bưu phẩm, hay phong thư, không thấy tấm ảnh nào, niềm vui cũng vơi đi ít nhiều. Con bé khoe với lũ bạn ở xóm, ba nó thần kỳ lắm. Hôm rồi sắp Trung thu, con bé ước có vương miện công chúa như trong chuyện cổ tích vẫn thường đọc, mấy ngày sau đã thấy ba chuyển phát nhanh về một chiếc vương miện lấp lánh, những dây bông trắng muốt buông sau mái tóc. Trung thu qua, Bống cất kỹ vào một chiếc hộp, đặt ngay ngắn lên ngăn bàn học dành riêng cho những món quà và lá thư của ba. Lúc nhớ ba, con bé lại lấy vương miện ra, hôn nhẹ lên nó.
Mẹ đưa ống tay áo, quệt mồ hôi ngang má. Đợi mẹ nhấp ngụm nhân trần thanh dịu, con bé mới buông lời:
- Mẹ có gửi được thư cho ba không?
Giọng con bé rón rén.
- Ừ, được.
- Con nghe đài báo ngoài đó đang bão, chắc phải lâu nữa ba mới nhận được thư phải không mẹ?
- Hai ba hôm nữa hết bão thôi.
Giọng mẹ bình thản, như những cơn bão cứ đến rồi đi theo lẽ tự nhiên mà mẹ đã quen. Ánh mắt con bé vẫn đăm đắm âu lo. Bão nổi ngoài khơi, sợ ba không kịp vào bờ, sợ những cánh thư đi lạc lúc ba đang miệt mài giữ biển…
- Hai năm nữa ba về thật hả mẹ? Gần tám năm rồi ba chẳng về thăm mẹ con mình lần nào cả.
- Con học giỏi đi, rồi ba nhất định sẽ về như đã hứa.
Lời mẹ chắc nụi, ghim vào lòng nó một niềm tin sâu thẳm.
Sáng hôm sau, con bé thức giấc đã thấy mẹ đi làm đồng. Bống dụi mắt, nhìn qua ô cửa sổ thấy mặt trời ửng như lòng đỏ trứng úp vào mặt chảo phía xa xa. Con bé gấp chăn màn cẩn thận, xếp vào một góc. Xong xuôi đâu đó, Bống ngồi vào bàn học, xé tờ giấy đôi giữa cuốn vở, nắn nót từng chữ: “GỬI BA THƯƠNG NHỚ!”. Lá thư này con bé hỏi thăm ba bão đã tan chưa, dặn dò ba nhớ hồi âm sớm để con bé bớt nóng ruột. Bỗng nhiên bút hết mực, Bống kéo hết mấy ngăn tủ của mẹ không tìm thấy cái bút nào. Sực nhớ hôm qua mẹ đi gửi thư cho ba, chắc vẫn còn để bút trong túi xách. Nghĩ thế, Bống đứng dậy đi tìm. Đôi lông mi cong dài của con bé buồn rầu cụp xuống lúc nhìn thấy lá thư hôm qua vẫn còn nguyên trong túi xách. Con bé không giận mẹ, chắc vì mẹ vội về cho kịp khỏi mưa. Bống nghĩ vậy nhưng hai hàng nước mắt cứ rơi. Chậm một ngày ba không nhận được thư thì con bé cũng sẽ chậm mất một ngày nhận được thư hồi âm từ ba. Con bé lo lắng cho ba ngoài đảo xa quá.
Bữa cơm hôm đó Bống chẳng buồn ăn, cứ hóng cái đài để nghe tin bão. Mấy ngày sau không thấy lá thư trong túi xách của mẹ, Bống mới an tâm rằng mẹ đã gửi chúng đi.
Lên mười, con bé biết đi xe đạp. Những vòng xe tròn vo, run rẩy. Chiều nào tập xe ngoài sân bãi, chạm vào cảnh tượng ba cái Hiền đang giữ xe từ phía sau, con bé chạnh lòng ghê gớm. Nó chống hai chân xuống, ngoái đầu nhìn cái ghế ngồi phía sau, trống quạnh. Mắt Bống ậng nước, rồi chảy tràn bên má. Bống đưa tay gạt đi. Con bé định quay về nhà, chờ thêm một năm nữa, sẽ tập lại. Bởi lúc ấy, khi ngoái đầu về phía sau, Bống sẽ nhìn thấy ba đang giữ vững. Lúc con bé cân bằng được xe, ba sẽ thả tay ra, vỗ tay hoan hô con gái, chân vẫn chạy, đuổi theo những vòng xe của con. Nghĩ đến đó, con bé mỉm cười. Nhưng ý nghĩ muốn tự mình đạp xe xuống phố huyện gửi thư cho ba thôi thúc con bé không quay trở về nhà.
Mẹ gãy tay trong lần đi phố huyện, chiếc xe cà tàng dở chứng đứt phanh đúng khúc dốc lao. Mùa gặt, mẹ đành bán đàn heo con thuê người gặt hộ. Những đêm gió quái, tay mẹ đau nhưng nhức chỗ bó bột, mắt mẹ giàn giụa mà khóc không thành tiếng. Con bé khóc, thương mẹ.
- Ba sắp về rồi phải không mẹ? Ba biết mẹ đau tay không?
Giọng con bé ngân ngấn.
- Con đừng kể với ba, ba lo. Ngoài ấy ba còn có nhiều việc. Con ngoan thì ba nhất định sẽ về như đã hứa.
Mẹ nhắc vậy, nhưng con bé vẫn viết trong thư: “Mẹ bị gãy tay trong lần đi gửi thư cho ba. Mẹ đã dặn không được kể cho ba nghe, khiến ba lo. Lần tới viết thư về, ba nhớ hỏi han mẹ cho mẹ đỡ tủi. Lần nào ba cũng chỉ hỏi thăm mỗi con, chắc mẹ buồn mà không nói. Mẹ đau tay rồi, không đi xe đạp xuống phố huyện được nữa. Chắc phải thật lâu, thật lâu, ba mới nhận được lá thư này của con. Mẹ cũng phải xuống phố huyện, mới lấy được thư ba gửi”.
Con bé tần ngần nhìn vào những lá thư đã nửa tháng trời chưa được gửi. Con bé ngoảnh đầu lại, chần chừ lúc thấy mẹ đang mê mải đọc cuốn truyện “Cô bé đến từ cổng trời” mới mua hôm bữa.
- Mẹ… Hay là… con… con xuống phố huyện gửi thư cho ba nhé?
- Để đó. Lớn thêm chút nữa rồi con tự đi gửi. Đi xe còn chưa vững, xuống phố huyện sao được.
Bống im re sau câu nói gằn giọng của mẹ. Một lúc sau, nghĩ ngợi gì, con bé mạnh dạn đáp:
- Con lớn thêm chút nữa thì ba cũng về rồi còn gì.
Nửa tháng sau, cậu Tam qua đưa mẹ đi tháo bột. Vừa kịp thấy bóng mẹ đi khuất đầu ngõ, con bé nhổm người dậy, gói ghém những lá thư vào cặp. Con bé cẩn phận ghi lại địa chỉ của ba vào mẩu giấy.
Đi qua mấy quãng đường mới tới phố huyện. Bống hỏi dò cũng ra được cái bưu điện huyện nằm sát mép ngã tư. Con bé viết tên người gửi, người nhận, dán tem ngay ngắn, thả lá thư vào hòm thư. Bống về tới nhà khi nắng đã rải một màu vàng óng lên con đường phía trước. Mẹ chưa về. Con bé dáo dác tìm chiếc vương miện công chúa. Hình như mẹ đã cất đi để Trung thu năm sau còn có cái khoe với lũ bạn. Con bé lục tìm trong ngăn tủ và nhớ ba. Mỗi lần nhớ ba con bé lại hôn lên chiếc vương miện ấy. Bao nhiêu món quà ba gửi, nào áo quần, chiếc bút máy Thiên Long, tập que tính bằng gỗ, chiếc nơ kẹp tóc… nhưng con bé thích nhất là chiếc vương miện này. Mỗi lần đội vương miện lên đầu, con bé thủ thỉ một mình qua chiếc gương soi: “Ba à, con giống công chúa của ba không?”.
Có một ngăn tủ khóa chặt, con bé nhớ là chưa một lần mở nó ra bởi đó là ngăn tủ của riêng mẹ. Chắc mẹ giữ bí mật của mình trong đó nên cài khóa rất kỹ. Con bé đi tìm chiếc chìa khóa trong túi xách của mẹ. Chiếc vương miện công chúa mẹ đặt ngay ngắn trong ngăn tủ bé nhỏ. Con bé mỉm cười, khéo léo lấy chiếc vương miện ra khỏi tủ. Xấp thư dày cộp bất chợt hiện ra sau chiếc vương miện. Những lá thư con bé gửi ba mấy năm nay cứ nằm im trong ngăn tủ của mẹ. Con bé hiểu ra điều gì đó. Dàn những lá thư lên bàn, nước mắt giàn giụa.
Mẹ vừa về đến nhà, thấy con bé im lặng, nhìn trân trân vào những lá thư Bống gửi ba mấy năm nay. Mẹ vội vã ôm chặt lấy con, bật khóc:
- Mẹ xin lỗi Bống. Mẹ sai rồi.
Con bé mếu máo, đưa những ngón tay búp măng gạt nước mắt của mẹ.
Ngăn tủ của mẹ không đơn giản chỉ là những lá thư được giấu kín. Đó còn là khoảng trời ký ức của con bé, là niềm hạnh phúc của mẹ mỗi lần đọc những dòng tâm tình của con gái. Ngăn tủ của mẹ ăm ắp tình yêu con. Những lá thư chưa bao giờ đến tay ba, cũng như giấc mơ về ba chưa bao giờ có thật. Nhưng con bé hiểu, ngần ấy năm, mẹ đã nhẫn nại viết những lá thư gửi nó. Mẹ thổi vào tâm hồn bé bỏng của Bống hình ảnh về một người cha thật đẹp, để nó lớn lên, luôn có tình thương đủ đầy, của cả mẹ, lẫn cha…
D.H