Nỗ lực nâng cấp hệ thống đê, kè
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp đê, kè. Qua đó, đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho sản xuất, cuộc sống của người dân.
Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Bình Định có hệ thống đê, kè lớn, hình thành từ lâu đời, chủ yếu đắp bằng đất, dưới tác động của mưa, lũ, bão nên nhiều đoạn bị hư hỏng, xuống cấp, khó đảm bảo an toàn khi phải chống chọi với lũ, bão lớn. Do đó, công tác đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê, kè vừa là việc làm thường xuyên, vừa là việc làm lâu dài để đảm bảo an toàn hệ thống đê trước bối cảnh thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, dị thường… Đến nay, tỉnh đã đầu tư nâng cấp, kiên cố hóa được 350 km đê, kè (chủ yếu là đê sông, đê biển và kè bảo vệ đê), từng bước đảm bảo an toàn cho người dân. Hiện nay, công tác này tiếp tục được chính quyền các địa phương quan tâm, triển khai.
Nhà thầu thi công kè thuộc dự án công viên cầu Bến Cảnh, xã Nhơn Phong (TX An Nhơn). Ảnh: T.LỢI
Tuy Phước là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng từ bão, lũ hằng năm. Trong những năm qua, được sự quan tâm của UBND tỉnh, UBND huyện đã tranh thủ được nguồn vốn Trung ương, ngân sách tỉnh và vốn ngân sách huyện để xây dựng kiên cố hệ thống đê, kè và kênh mương thủy lợi, góp phần bảo vệ đất ở dân cư và đất sản xuất nông nghiệp; giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa lũ...
Ông Nguyễn Đình Hồng Thoại, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Tuy Phước, cho hay: Đến nay, huyện đã kiên cố hóa được 112 tuyến đê, kè, với chiều dài khoảng 118,3 km. Năm 2024, theo kế hoạch vốn được UBND huyện phê duyệt, đơn vị tiếp tục đầu tư nâng cấp 2 tuyến đê, gồm gia cố đê sông Đục (đoạn từ cầu Ván đến sông Hà Thanh), dài 1,2 km, mức đầu tư 9,1 tỷ đồng và nâng cấp đê Cây Vông, thôn Bình Lâm (xã Phước Hòa) dài 0,32 km, mức đầu tư 3,6 tỷ đồng. Hiện nay, các đơn vị đang gấp rút thi công, đảm bảo vượt lũ an toàn trước ngày 30.8 năm nay.
“Sau đó, đơn vị tiếp tục phối hợp với các phòng, ban liên quan và UBND các xã, thị trấn khảo sát các tuyến đê xung yếu, có khả năng xảy ra sạt lở trong mùa mưa lũ sắp đến, đặc biệt là tuyến đê sông Cây Me (đoạn bờ Bắc thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa), dài khoảng 1,5 km để gia cố, nâng cấp trong thời gian sớm nhất, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân ở địa phương”, ông Thoại cho biết thêm.
Tương tự, An Nhơn là địa phương có nhiều tuyến đê sông, với hơn 200 km (tính cả 2 bên). Đến nay, địa phương đã kiên cố gần 80 km xung yếu. Năm 2024, thị xã đang thi công kè Bờ Mọ (thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong) và kè hai bên bờ nhánh sông Tân An (đoạn từ cầu Trường Thi đến đập Thạnh Hòa, phường Nhơn Hòa).
Những ngày này, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thái An tập trung công nhân, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công đê sông Bờ Mọ. Tuyến đê có chiều dài gần 0,5 km, được nhà thầu khởi công vào tháng 5 năm nay, dự kiến đầu tháng 11 sẽ hoàn thành. Tiến độ thi công công trình đạt 30% so với khối lượng thiết kế. Ông Phan Trường Lưu, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất TX An Nhơn, cho rằng: “Sau khi hoàn thành, tuyến đê sông này sẽ bảo vệ khoảng 100 ha đất nông nghiệp và vùng trồng mai tập trung phường Nhơn Thành, xã Nhơn Phong”.
Ngoài tuyến đê sông Bờ Mọ, năm nay, một số xã, phường ở TX An Nhơn cũng cân đối được nguồn vốn để tiếp tục gia cố các vị trí bờ sông bị sạt lở, có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt vào cuối năm. Ông Đinh Thanh Trình, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phong, cho biết đã đôn đốc, yêu cầu nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ dự án công viên cầu Bến Cảnh, trong đó có hạng mục gia cố hơn 500 m kè. Đến nay, đơn vị thi công được khoảng 50% khối lượng. Trước đó, xã cũng vừa hoàn thành khắc phục tràn An Lợi, trong đó bố trí hơn 1,5 tỷ đồng kiên cố 200 m kè sông, góp phần bảo vệ đất sản xuất, đường giao thông.
Ông Hồ Đắc Chương cho biết thêm: Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến đê, kè trên địa bàn. Từ đó, sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư hằng năm phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, trong đó tập trung đầu tư củng cố các đoạn, tuyến đê xung yếu, đảm bảo chủ động phòng chống bão, lũ.
TRỌNG LỢI