Ngư dân thả rùa mắc câu về lại biển
Sáng 17.7, khi tàu vừa cập cảng cá Tam Quan (TX Hoài Nhơn), ông Huỳnh Anh Tuấn (SN 1986, ở phường Tam Quan Nam, thuyền trưởng tàu cá BĐ 98485-TS) cho biết, trong hành trình vươn khơi khai thác thủy sản, tàu của ông đã thả một cá thể vích (còn gọi rùa xanh, tên khoa học Chelonia mydas) dài khoảng 0,8m, nặng khoảng 7 kg, là một trong 5 loài rùa biển quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam về lại biển.
Tàu cá của ông Tuấn làm nghề câu cá ngừ đại dương, chuyến biển kéo dài 20 ngày, khi xuất bến được 10 ngày thì gặp rùa mắc câu, kéo lên, ông thấy rùa không bị thương nặng nên đã gỡ móc câu và thả ngay về biển. “Gần 20 năm mưu sinh gắn liền với biển, tôi cùng các thuyền viên đã nhiều lần thả rùa vướng câu về lại biển, vì tôi biết rằng rùa biển là động vật quý hiếm cần được bảo tồn”, ông Tuấn thông tin thêm.
Trước đó, vào tháng 3, tàu cá BĐ 97388-TS của ông Võ Hoài Tam (SN 1979, ở phường Tam Quan Bắc) làm nghề câu cá ngừ đại dương đã thả một cá thể đồi mồi (tên khoa học Eretmochelys imbricata) dài khoảng 0,7m, nặng khoảng 6 kg vướng lưới trở về đại dương.
Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết, thực hiện mục tiêu phát triển thủy sản bền vững, trong hơn 15 năm qua, công tác tuyên truyền trong cộng đồng về bảo tồn các loài động vật quý hiếm đã thực hiện rộng rãi và có hiệu quả. Nhờ đó ngư dân Bình Định đã dần thay đổi tư duy, nhận thức, đồng thời có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và lan tỏa rộng rãi đến cả những địa phương không có biển.
Từ năm 2016 đến nay, ngư dân đã chủ động báo tin, tham gia vận động thả và cứu hộ 33 cá thể rùa biển (22 đồi mồi, 10 vích, 1 đồi mồi dứa) và đã bảo vệ được 10 ổ rùa biển với 437 rùa con về biển an toàn tại khu vực biển Kỳ Co Nhơn Lý và mũi Cồn xã Nhơn Hải.
ÁI TRINH