Tận dụng thực bì làm tăng độ màu mỡ của đất
Đốt thực bì sau khi khai thác gỗ rừng trồng là cách làm phổ biến hiện nay. Thời tiết nắng nóng, việc làm này gia tăng nguy cơ cháy rừng. Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn đã áp dụng cách băm nhỏ thực bì rồi rải trên mặt đất, vừa phòng cháy rừng, vừa tăng độ màu mỡ của đất.
Đến giữa tuần này, ông Lê Hùng Doanh ở thôn Tân Vinh (xã Canh Vinh, huyện Vân Canh) đã xử lý xong toàn bộ khối lượng thực bì khá lớn, không chỉ trên diện tích rừng trồng 2 ha của gia đình mà còn trên hàng trăm héc ta rừng trồng mà ông nhận thầu khai thác gỗ. Hơn 3 năm làm theo phương pháp xử lý thực bì không dùng lửa do Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn hướng dẫn, chuyển giao ông thấy rõ lợi ích việc này mang lại.
Công nhân băm nhỏ thực bì sau khi khai thác gỗ rừng trồng. Ảnh: N.T
Ông Doanh kể, lúc mới nghe qua, tôi thấy khó khăn quá vì tốn thời gian và tiền thuê nhân công băm thực bì. Trong vụ trồng rừng kế tiếp năng suất lại không cao bằng so với cách đốt. Tuy nhiên, đến năm thứ hai thì có chuyển biến rất lớn. Nếu gom thực bì lại đốt, nhìn sạch sẽ hơn nhưng khi mưa xuống, đất bị xói mòn. Phần thực bì được xử lý nhỏ, rải trên mặt đất giúp giữ lại được chất hữu cơ của rừng, một số phân hủy tạo thêm chất dinh dưỡng cho đất. Nhờ đó, chỉ đến năm thứ hai, cây trồng sum suê cành lá, vươn cao, phát triển rất mạnh.
Ông Trần Nguyên Tú, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, chia sẻ: Nhiều chủ rừng, công ty lâm nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đến tham khảo, học hỏi phương pháp này. Tổ chức GFA GmbH của Đức (đơn vị cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững - FSC) trong những lần trở lại công ty để đánh giá việc duy trì chứng chỉ hằng năm, luôn đánh giá cao hiệu quả xử lý thực bì không đốt trên diện rộng của chúng tôi.
Việc xử lý thực bì trồng rừng không đốt hạn chế được khả năng cháy lan đến các diện tích canh tác lân cận, đồng thời khói bụi từ việc đốt thực bì cũng được hạn chế đáng kể. Bên cạnh đó, cách làm này góp phần tạo tư duy canh tác theo hướng bền vững, không gây ảnh hưởng đến môi trường.
“Hiện tại, ngoài diện tích rừng trồng, công ty đã mở rộng triển khai phương pháp này ra diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ. Các đơn vị liên quan gồm lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng, chính quyền địa phương cấp huyện, xã… cũng tham khảo, ứng dụng giải pháp này phục vụ công tác phát triển rừng trên địa bàn quản lý và công tác của ngành”, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Kỹ thuật - Quản lý bảo vệ rừng Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, người cùng với Chủ tịch Trần Nguyên Tú sáng tạo ra giải pháp xử lý thực bì không đốt, cho biết.
NGỌC TÚ