Xử lý vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè: Thiếu kiên quyết, không triệt để
Công tác quản lý trật tự đô thị, nhất là lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi kinh doanh, buôn bán đang là vấn đề nóng của các đô thị. Dù có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm, tổ chức ra quân xử lý nhưng không thường xuyên, thiếu kiên quyết, không triệt để nên vẫn tái diễn.
Đây là một trong những vấn đề quan trọng được nêu ra tại Hội nghị đánh giá 1 năm thực hiện công tác nâng cao chất lượng công trình xây dựng và công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh do Sở Xây dựng tổ chức ngày 17.7.
Phải xử lý mạnh tay hơn
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Anh Sơn, sau hội nghị quán triệt của tỉnh năm 2023, tình hình vi phạm trật tự xây dựng, lấn, chiếm đất đai có chiều hướng giảm rõ rệt. Đồng thời, các địa phương xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép tồn đọng trước đây. Điển hình, TP Quy Nhơn đã thực hiện phá dỡ 193 trường hợp vi phạm; đang đề xuất xử lý 609/1.715 trường hợp. TX Hoài Nhơn đã lập thủ tục xử lý vi phạm hành chính 268/2.024 trường hợp; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 139 trường hợp...
Trong quản lý trật tự đô thị, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, phân công lực lượng phối hợp với các đơn vị lập lại trật tự đô thị, ATGT. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trật tự đô thị, nhất là lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi kinh doanh, buôn bán vẫn tái diễn, hình thành những “điểm nóng”.
Lực lượng chức năng xử lý lấn chiếm vỉa hèđường Xuân Diệu (TP Quy Nhơn). Ảnh: ĐTTĐT
Từ tháng 6.2023 đến hết năm 2023, lực lượng chức năng thành phố và các phường, xã tổ chức ra quân 503 lượt; xử phạt đậu đỗ xe không đúng quy định 78 trường hợp; phạt lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán 161 trường hợp. 4 tháng đầu năm nay ra quân 429 lượt; xử phạt đậu đỗ xe không đúng quy định 131 trường hợp; phạt lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán 147 trường hợp.
Tuy vậy, ông Võ Duy Trinh, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Quy Nhơn thừa nhận, việc tổ chức ra quân lập lại trật tự đô thị, chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường duy trì thường xuyên liên tục nhưng hiệu quả đạt được chưa cao, xử lý thiếu kiên quyết.
“Tháng 8 tới đây, thành phố sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề để quán triệt các giải pháp xử lý đến các đơn vị, phường, xã. Trong đó, ngoài tuyên truyền, nhắc nhở thì phải có biện pháp mạnh tay hơn là xử lý vi phạm hành chính”, ông Trinh nêu giải pháp.
Dẫn từ thực tế tái chiếm vỉa hè ở “điểm nóng” đoạn đường Nguyễn Huệ trước cổng BVĐK tỉnh liên quan đến mưu sinh của 22 hộ dân, ông Bùi Văn Sơn - Chủ tịch UBND phường Trần Phú (TP Quy Nhơn) kiến nghị phải giải quyết từ gốc, đó là bố trí khu vực buôn bán cho các hộ có kế mưu sinh.
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo nói rằng có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện xử lý vi phạm trật tự đô thị. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở cách làm hiện nay là không thường xuyên, chủ yếu như phong trào, đợt này ra quân làm quyết liệt nhưng sau đó thì dừng. Cách xử lý này không triệt để. Bên cạnh đó, để quản lý trật tự đô thị cũng phải giải quyết cho được vấn đề bức xúc của người dân trong mưu sinh.
Lực lượng chức năng TP Quy Nhơn cưỡng chế tháo dỡ nhà xây dựng trái phép. Ảnh: MAI HOÀNG
Quản lý chất lượng công trình xây dựng: Cần thêm giải pháp
Về công tác nâng cao chất lượng công trình xây dựng, các đơn vị đã rà soát, đánh giá tổng số 1.357 công trình; trong đó, 791 công trình đạt chất lượng tốt (58,2%), 566 công trình đạt chất lượng (41,7%), không có công trình kém chất lượng. Trong số 158 gói thầu được triển khai từ tháng 3.2023 - 3.2024 đã có 55 gói thầu có thời hạn bảo hành từ trên 12 - 24 tháng; 79 gói thầu có thời hạn bảo hành từ trên 24 - 36 tháng; 5 gói thầu có thời hạn bảo hành trên 36 tháng.
Việc xây dựng quy trình quản lý chất lượng các công trình xây dựng, xây dựng tiêu chí để đánh giá, trong đó xem xét về chất lượng các công trình xây dựng mà nhà thầu thực hiện trong khoảng 2 - 3 năm gần đây đã được các chủ đầu tư triển khai. Đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng các công trình. 210 công trình đã thực hiện lắp đặt camera giám sát (chiếm tỷ lệ 65% trên tổng số công trình); một số chủ đầu tư còn thực hiện lắp đặt thêm 16 camera giám sát tại các điểm mỏ đối với dự án có sử dụng đất làm vật liệu san lấp để thi công xây dựng...
Là đơn vị chủ đầu tư của các dự án công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, ông Ngô Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh, cho hay đơn vị đã phối hợp với các sở GTVT, Xây dựng nghiên cứu, đề xuất và đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương giải pháp sử dụng móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng được sử dụng trong công tác sửa chữa và áp dụng cục bộ đối với các đoạn đường đèo trên nền đá theo yêu cầu kỹ thuật cho các tuyến đường: Xây dựng tuyến đường tránh phía nam thị trấn Phú Phong; tuyến đường nối từ QL 19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định kết nối với Cảng Quy Nhơn. Mặt khác, Ban đã đề xuất UBND tỉnh giải pháp xử lý nền đất yếu đoạn chuyển tiếp giữa đường và cầu, cống hộp lớn bằng cọc xi măng đất đối với dự án Xây dựng tuyến đường ven biển (ĐT 639) đoạn từ QL 1D - QL 19 mới; đã được UBND tỉnh, HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương và hiện nay đang triển khai thủ tục điều chỉnh dự án để sớm triển khai thi công xây dựng, nâng cao chất lượng công trình.
Ông Trần Viết Bảo cho biết, tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng các công trình xây dựng trong thời gian tới, Sở đề xuất UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, chủ đầu tư công trình nghiêm túc quán triệt, tiếp tục triển khai đầy đủ, kịp thời các giải pháp chỉ đạo tại Thông báo số 70/TB-UBND ngày 13.3.2023. Trong đó, chú trọng nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng về quản lý chất lượng công trình xây dựng và đấu thầu. Thực hiện đầy đủ việc rà soát, đánh giá chất lượng công trình. Tăng cường hiệu quả, chất lượng công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu. Tăng cường phối hợp, kiểm tra giám sát các dự án, công trình trọng điểm. Các chủ đầu tư cần tăng cường trách nhiệm đối với chất lượng công trình...
MAI HOÀNG