Cứu sống bé 2 tháng tuổi “thai trong thai” rất hiếm gặp
"Thai trong thai" là một trong những hiện tượng hiếm gặp bậc nhất thế giới. Riêng ở Việt Nam chỉ vài trường hợp được báo cáo.
Chiều 13.9, Khoa Ngoại Nhi-Cấp cứu bụng của BV Trung ương Huế cho biết, sức khỏe của bệnh nhi 2 tháng tuổi bị hiện tượng “thai trong thai” cực kỳ hiếm gặp, được Khoa tiến hành phẫu thuật vào sáng 12.9 đã ổn định, có thể khẳng định ca mổ đã thành công tốt đẹp.
Bệnh nhi đặc biệt này tên là Huỳnh Võ Văn Ng. (2 tháng tuổi, quê ở Bình Thuận, Bình Sơn, Quảng Ngãi), được bố mẹ đưa đến BV Trung ương Huế khi phát hiện bụng cháu càng ngày càng lớn dần.
Cháu Ng. nhập viện trong tình trạng thiếu máu, khó thở, nhiễm trùng, sốt cao; các xét nghiệm cận lâm sàng trước mổ nghi ngờ có 1 khối u quái lớn trong ổ bụng là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng thiếu máu và tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nên quyết định phẫu thuật và phát hiện một thai lớn ký sinh chèn ép lên động tĩnh mạch mạc treo tràng trên của cháu bé.
Khối thai được bóc ra có kích thước 20x7x5cm, nặng khoảng 1kg, bao gồm cả tay chân, cột sống, một phần gan, toàn bộ ruột kể cả ruột thừa.
Theo y văn trong, ngoài nước cho hay, “thai trong thai” là hiện tượng xảy ra với tỷ lệ 1/500.000. Đây là một trong những hiện tượng hiếm gặp bậc nhất thế giới. Riêng ở Việt Nam chỉ vài trường hợp được báo cáo.
Thực chất, “thai trong thai” là những cặp song sinh cùng trứng, nhưng vì một nguyên nhân nào đó mà trong quá trình phát triển của phôi thai xảy ra tình trạng phôi này trùm lên phôi kia khiến phôi nằm trong phôi.
Do vậy, khi sinh ra em bé đã có sẵn một bào thai nằm trong bụng. Y khoa gọi là hiện tượng song sinh phát triển không hoàn chỉnh, rất hiếm với tỉ lệ gặp là một trên nửa triệu ca.
Để đủ điều kiện gọi là “thai trong thai” thì bào thai được lấy ra trong bụng em bé phải có những bộ phận tay, chân, bộ phận sinh dục... và nhất thiết phải có cột sống.
Các trường hợp khác cũng giống thai trong thai, nhưng không có cột sống thì không gọi là thai trong thai, mà chỉ là bướu quái dạng thai (tỉ lệ gặp nhiều hơn).
Để phòng tránh các dị dạng thai nhi nói chung, trong thời kỳ thai nghén, đặc biệt là 3 tháng đầu, các bà mẹ nên cẩn trọng, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại, tia phóng xạ và chỉ dùng thuốc được bác sĩ kê đơn cho sản phụ, không tự ý uống thuốc không rõ loại dù là thuốc bổ, tân dược hay thảo dược.
Sản phụ cũng nên theo dõi thai định kỳ và nên tiêm phòng các loại bệnh truyền nhiễm như cúm, rubella, thủy đậu trước khi mang thai.
Khi siêu âm phát hiện thai nhi có gì bất thường nên được các bác sĩ tiền sản tại bệnh viện nhi tư vấn để có quyết định chính xác về tình trạng của thai nhi sau này.
Theo Chinhphu.vn