Thủ tướng: Chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người dân”
Thủ tướng cho rằng, chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người dân”. Kinh tế số đang thẩm thấu vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, làm thay đổi một cách cơ bản đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Sáng 19.7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với Bộ trưởng, Trưởng ngành và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, lãnh đạo các bộ ngành, thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, các thành viên Tổ Công tác Đề án 06 và lãnh đạo các địa phương trên cả nước.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu bắt buộc, tiến trình không thể đảo ngược ở bình diện quốc tế, quốc gia hay từng bộ, ngành, địa phương.
Nhìn lại những bước tiến trong quá trình chuyển đổi số ở nước ta thời gian qua rút ra nhiều bài học, trong đó bài học lớn là chuyển đổi số muốn mạnh, muốn nhanh, muốn hiệu quả có vai trò quan trọng, mang tính quyết định của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp
Thủ tướng khẳng định, đây là một Hội nghị rất quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí thảo luận, làm rõ nhằm thống nhất tư duy, phương pháp, cách tiếp cận để cùng nhau hành động thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Thủ tướng đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận cách thức tổ chức Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi đổi số ngày hôm nay, Hội nghị trực tuyến đầu tư công cách đây vài ngày, hay xa hơn các hội nghị trực tuyến trong giai đoạn chống dịch Covid-19; nếu dùng cách “trực tiếp" truyền thống phải tốn thời gian, công sức, nguồn lực hơn rất nhiều, thậm chí không tổ chức được? - Đây là những lợi ích rất cơ bản của chuyển đổi số mà mọi người chúng ta đều nhìn thấy.
Thủ tướng nhắc lại, trong giai đoạn cam go phòng, chống đại dịch Covid-19, chúng ta đã tổ chức các cuộc họp trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành phố, hơn 700 quận, huyện, thị xã, hơn 10.000 xã, phường, thị trấn trên cả nước một cách nhanh chóng, tiết kiệm, an toàn để tổ chức, triển khai phòng, chống dịch.
Thủ tướng chỉ rõ, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập sâu sắc về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và các đột phá chiến lược.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Nhiệm vụ quan trọng của chúng ta hiện nay là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cũ, khai phá các động lực tăng trưởng mới, các ngành mới nổi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân... tất cả những vấn đề đó đều có quan hệ mật thiết đến chuyển đổi số. Tinh thần là chuyển đổi số một cách toàn dân, toàn diện, với sự tham gia, đồng hành tích cực của cả hệ thống chính trị, hành chính nhà nước, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Qua theo dõi và chỉ đạo, thủ tướng vui mừng nhận thấy, công cuộc chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người dân”. Kinh tế số đang thẩm thấu vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, làm thay đổi một cách cơ bản đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Trong nhiều ngành kinh tế, áp dụng công nghệ số đã tạo ra bước đột phá về năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số đã trở thành đòi hỏi bức thiết của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, doanh nghiệp để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phải phục hồi, phát triển KT-XH.
Quang cảnh cuộc họp
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia trong giai đoạn tới, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng nhau thảo luận, phân tích, đánh giá những nội dung sau: Thứ nhất, việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về chuyển đổi số đã tốt chưa? Đánh giá một cách khách quan về công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong chuyển đổi số đã đúng chưa, đã đủ chưa, đã kịp thời chưa? Đánh giá thẳng thắn, rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể những kết quả đạt được trong chuyển đổi số thời gian qua? chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối chia sẻ thông tin, hình thành dữ liệu lớn; đào tạo và phát triển nhân lực và thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, khó khăn, thách thức, nhất là trong xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, triển khai Đề án 06. Đồng thời, chỉ ra nguyên nhân cả khách quan và chủ quan? Rút ra những bài học kinh nghiệm gì từ thực tiễn? Về bối cảnh, tình hình thời gian tới? Những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, cần tập trung, ưu tiên những vấn đề gì, cái gì là mấu chốt, quan trọng, đột phá?
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong giai đoạn 2021-2024, chuyển đổi số được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Công tác chỉ đạo, điều hành đã có kinh nghiệm hơn, lớp lang, bài bản, bám sát thực tiễn hơn. Công tác tổ chức thực hiện từ Trung ương đến cơ sở được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn. Kết quả mang lại thiết thực hơn, tích cực hơn. Người dân, doanh nghiệp ủng hộ, đồng hành, tham gia tích cực hơn. Chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”. Niềm tin của người dân và doanh nghiệp được củng cố, nâng lên, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới. Chuyển đổi số rất phù hợp với phẩm chất, năng lực người Việt Nam là cần cù, ham học hỏi, linh hoạt và sáng tạo.
Kinh tế số, xã hội số tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sản phẩm số của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và xuất khẩu đi khắp thế giới (Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sản phẩm số tăng từ 113,5 tỷ USD năm 2021 lên 117,3 tỷ USD năm 2023; 6 tháng năm 2024: 64,9 tỷ USD, tăng 23%.
Doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng khá (năm 2023: 13 tỷ USD; 6 tháng 2024: 6 tỷ USD); xuất khẩu năm 2023: 7,5 tỷ USD; 6 tháng 2024: gần 3 tỷ USD.
Các đại biểu tham dự cuộc họp
Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã đầu tư lớn tại Việt Nam như Samsung, LG, Intel, Canon, Foxconn, Goertek, Amkor... và cam kết đầu tư mới và mở rộng đầu tư (như Nvidia, Apple...), nhất là trong lĩnh vực mới như điện tử, chíp bán dẫn, nghiên cứu phát triển, trí tuệ nhân tạo...
Giáo dục và Đào tạo: Hệ thống đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển trình độ đại học, cao đẳng và giáo dục mầm non và tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến đã triển khai đồng bộ, đánh giá là bước đột phá.
Y tế, khám chữa bệnh đã liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, khai tử... Phần mềm Bảo hiểm xã hội hiện có 35 triệu tài khoản; 72% người dân khu vực đô thị hưởng nhận BHXH, trợ cấp qua tài khoản. Đặc biệt, trong cao điểm Covid-19, trong 1 tháng, đã chi trả 31.836 tỷ đồng cho trên 13,3 triệu lượt người lao động qua hệ thống điện tử.
Chi trả an sinh xã hội: 63/63 địa phương thực hiện chỉ trả qua tài khoản cho 1.96 triệu người với số tiền trên 8.280 tỷ đồng. Cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu
Hạ tầng số, nền tảng số được quan tâm đầu tư và có bước phát triển. 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá về kết quả chuyển đổi số của Việt Nam trong đó chỉ số Chính phủ điện tử năm 2022 xếp hạng 86/193; Chỉ số Đổi mới sáng tạo luôn duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay; năm 2023 xếp hạng 46/132; Chỉ số Bưu chính năm 2023 đạt cấp độ 6/10, xếp hạng 47/172.
Theo Vũ Khuyên (VOV)