Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND
(BĐ) - Ngày 19.7, tại TP Quy Nhơn, Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.
Đồng chủ trì Hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: N.H
Tham dự Hội thảo có đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội; đại diện Đoàn ĐBQH, HĐND một số tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên; các chuyên gia, nhà khoa học.
Dự Hội thảo về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Văn Phi - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Huỳnh Thúy Vân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lý Tiết Hạnh - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; các Ban HĐND tỉnh; Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm nêu rõ: Đây là hội thảo thứ hai trong chuỗi các hội thảo lấy ý kiến với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; là diễn đàn rất quan trọng nhằm lấy ý kiến đối với dự án luật để Ban soạn thảo, Tổ biên tập, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan trong hồ sơ dự án luật, nhằm củng cố thêm cơ sở lý luận, thực tiễn vững chắc và hoàn thiện nội dung của dự thảo luật.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Hội thảo được tổ chức tạiBình Định là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm từng bước cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; góp phần hoàn chỉnh hành lang pháp lý, giúp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng phát biểu chào mừng tại Hội thảo. Ảnh: N.H
Tại Bình Định, qua hơn 8 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, HĐND các cấp trong tỉnh đã tổ chức hơn 7.480 đoàn giám sát trên tất cả các lĩnh vực. Sau giám sát đã có hơn 10.000 kiến nghị gửi đến các cơ quan Trung ương và địa phương để xem xét, giải quyết; hơn 5.600 vấn đề được các đại biểu HĐND quan tâm đưa ra chất vấn tại các kỳ họp. Qua đó, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế và đưa ra được những kiến nghị, giải pháp thiết thực, tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.
“Hội thảo lần này tạo ra cơ hội giúp HĐND các cấp trong tỉnh có dịp học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh bạn, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để hoạt động giám sát của HĐND các cấp ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH”, đồng chí Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án luật và dự thảo đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã được chuẩn bị công phu, bảo đảm chất lượng; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết giúp Ban soạn thảo dự án Luật có cái nhìn toàn diện, đa chiều, kịp thời sửa đổi các điều, khoản còn bất cập, hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân phát biểu tham luận tại Hội thảo. Ảnh: N.H
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, khá toàn diện, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học về nhiều nội dung của dự án Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khá phức tạp liên quan đến nhiều luật chuyên ngành khác như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật… Do đó, Ban soạn thảo cần rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung để bảo đảm mục tiêu sửa đổi luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận Hội thảo. Ảnh: N.H
Cùng với đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, luật hóa các quy định liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tại các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật đã được thực hiện ổn định, hiệu quả thời gian qua. Yêu cầu Ban soạn thảo dự án Luật tổng hợp đầy đủ các ý kiến tham gia tại hội thảo, nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo trong quá trình soạn thảo dự án Luật, đảm bảo sau khi Luật được sửa đổi đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong thi hành...
NGUYỄN HÂN