Lãnh đạo TP Quy Nhơn và TP Tam Điệp chia sẻ về phát triển đô thị
Sáng 19.7, lãnh đạo TP Quy Nhơn có buổi tiếp, làm việc với Đoàn công tác TP Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) về công tác phát triển KT-XH, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị và quản lý di tích trên địa bàn TP Quy Nhơn.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP Quy Nhơn thông tin đến Đoàn công tác TP Tam Điệp về một số kết quả của Quy Nhơn trong phát triển KT-XH; việc triển khai đồ án quy hoạch xây dựng và đầu tư xây dựng hạ tầng khung kết nối đô thị,quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị thành phố cũng đã đạt những kết quả đáng kể. Cùng với đó, cácdự án giao thông đô thị trọng điểm trên địa bàn được đầu tư xây dựng giúp kết nối TP Quy Nhơn với các vùng, miền lân cận.
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14/12/2023, TP Quy Nhơn được phát triển mở rộng về phía Đông Bắc, lấy đầm Thị Nại làm trung tâm. Đặc biệt, xác định TP Quy Nhơn là 1 trong 3 cực phát triển quan trọng, cùng với vùng phụ cận là động lực chính, hạt nhân phát triển phía Đông Nam tỉnh Bình Định.
Đoàn công tác TP Quy Nhơn và TP Tam Điệp chụp ảnh lưu niệm.
Song song với công tác phát triển KT-XH, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, TP Quy Nhơn luôn chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của các di tích trên địa bàn thành phố; bảo tồn di sản văn hóa bài chòi, tuồng, hò bả trạo, lễ hội cầu ngư; từ năm 2011 đến nay, thành phố đã phục dựng và xây dựng điểm trình diễn thường xuyên Hội đánh bài chòi dân gian tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành diễn ra hàng tuần để phục vụ nhân dân và du khách; đầu tư hệ thống chòi và trang phục, dụng cụ trình diễn, hệ thống âm thanh trình diễn bài chòi, hò bả trạo. Hiện thành phố đang phối hợp bảo tồn di sản Võ cổ truyền Bình Định trong lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại…
Tại hội nghị, lãnh đạo TP Quy Nhơn và TP Tam Điệp cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quy hoạch chung đô thị, xây dựng thành phố phát triển theo hướng xanh - sạch - đẹp - văn minh; công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, việc thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt; việc thống nhất giữa quy hoạch chung với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất trong từng thời kỳ, công tác quản lý và thực hiện quy hoạch đã duyệt; kinh nghiệm để thu hút được các nhà đầu tư lớn, có năng lực vào địa bàn; thủ tục đầu tư các khu, cụm công nghiệp; việc quản lý đất đai, cơ sở để định giá đất khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí khu tái định cư cho các hộ dân và công tác cải cách thủ tục hành chính... để áp dụng vào thực tiễn ở địa phương, hướng đến xây dựng 2 thành phố ngày càng phát triển văn minh, giàu đẹp.
NGUYỄN NGUYỆT