Tổ chức thực hiện hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số quốc gia
(BĐ) - Sáng 19.7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ về CĐS với các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, các thành viên Ủy ban Quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chủ trì. Ảnh: A.N
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Điểm cầu hội nghị tại trụ sở UBND tỉnh do đồng chí Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, CĐS và Đề án 06 tỉnh, chủ trì.
Báo cáo của Bộ TT&TT - cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về CĐS cho biết, năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 đứng thứ 3 và hai năm tiếp theo 2022, 2023 đứng thứ 1. Báo cáo của Google xác định kinh tế số Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28%, 2023 đạt 19%, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022 xếp Việt Nam hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia 29, Thái Lan 31. Về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng. Về phát triển kinh tế số, Bộ TT&TT ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5% và đến tháng 6.2024 là 18,5%...
Tại Bình Định, 6 tháng đầu năm nay, công tác thực hiện CĐS đạt nhiều kết quả nổi bật ở 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Bên cạnh đó, hạ tầng số, phát triển nền tảng, dữ liệu số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng… cũng được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ. 6 tháng cuối năm, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, CĐS và Đề án 06 tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20.9.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định (khóa XX) về CĐS tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung các nhiệm vụ trọng tâm, như: Xây dựng, cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh, phiên bản 3.0. Duy trì hoạt động hiệu quả của các hệ thống thông tin (hệ thống dịch vụ công tỉnh; hệ thống văn phòng điện tử; cổng thông tin điện tử của tỉnh; cổng dữ liệu mở của tỉnh để cung cấp dữ liệu mở cho người dân, DN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên dữ liệu…). Hoàn thiện kho dữ liệu số dùng chung của tỉnh và các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế số của tỉnh, trong đó triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số ở một số ngành, lĩnh vực trọng điểm: NN&PTNT; Y tế; GD&ĐT; LĐ-TB&XH; Công thương; Du lịch; TN&MT. Phối hợp với Tỉnh đoàn triển khai chữ ký số công cộng đến 100% cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy việc triển khai cung cấp chữ ký số công cộng cho người dân, DN… Tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn miễn phí để nâng cao kỹ năng số cơ bản cho người dân, trong đó tập trung vào 5 nhóm kỹ năng số cơ bản: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; mua sắm và bán hàng trực tuyến; thanh toán trực tuyến; tự bảo vệ mình trên không gian mạng; sử dụng nền tảng số trong lĩnh vực ưu tiên, đặc thù của địa phương…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của cộng đồng DN và người dân về thực hiện chủ trương CĐS trong thời gian qua.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: CĐS đã trở thành xu thế bắt buộc, không thể đảo ngược ở bình diện quốc tế, khu vực, quốc gia. CĐS đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”, kinh tế số thẩm thấu vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, làm thay đổi cơ bản, sâu sắc các hoạt động KT-XH. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần phải thống nhất tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để cùng nhau hành động, nâng cao nhận thức, xác định mục tiêu, quan điểm, các nhiệm vụ, giải pháp đúng, trúng, khả thi, tổ chức thực hiện hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí nhất nhưng đạt hiệu quả cao nhất, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình CĐS quốc gia, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế số.
Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong thời gian tới và giao trách nhiệm cho từng bộ, ngành, địa phương trong việc nâng cao hiệu quả CĐS trong thời gian tới. Đồng thời, yêu cầu các đồng chí bộ trưởng, trường ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục nỗ lực, phấn đấu cùng nhau thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và DN.
AN NHIÊN