Già hóa dân số ở châu Á - nhìn từ Singapore, Thái Lan và Malaysia
Đối với nhiều người cao tuổi ở châu Á gặp khó khăn cả về tài chính và quan hệ xã hội, mong ước duy nhất của họ là không trở thành gánh nặng khi về già.
Theo dự báo của LHQ, châu Á - Thái Bình Dương sẽ có khoảng 1,3 tỷ người từ 60 tuổi trở lên vào năm 2050, trong đó khu vực Đông Nam Á chiếm đa số với trên 170 triệu người. Các nước như Singapore, Thái Lan và Việt Nam đang tiến rất nhanh đến giai đoạn này, chuyển dần thành các xã hội với dân số siêu già.
Trước đây, các cấu trúc gia đình và xã hội truyền thống thường là chỗ dựa cho người cao tuổi khi mà chính phủ không thể hỗ trợ. Tuy nhiên, những quy chuẩn văn hóa này hiện mất dần trong thực tế kinh tế hiện đại do thế hệ trẻ ngày nay ưu tiên theo đuổi các mục tiêu của riêng họ, trong khi các nhà hoạch định chính sách còn lo giải quyết hàng loạt thách thức khác.
1. Năm 2010, khoảng 10% dân số Singapore từ 65 tuổi trở lên, nhưng tỷ lệ này tăng lên 18,4% vào năm 2022. Ước tính, trong chưa đầy 6 năm nữa, quốc gia dưới 6 triệu dân này có trên 900 nghìn người bước vào độ tuổi này.
Với lợi thế dân số ít, kế hoạch hành động mạnh mẽ và thu nhập trung bình hằng tháng khoảng 5.100 SGD (3.770 USD), Singapore đang là một trong số quốc gia châu Á có những điều chỉnh tốt nhất để giải quyết thách thức về nhân khẩu học. Chính phủ nước này có kế hoạch dành khoảng 2,5 tỷ USD trong 10 năm tới cho chương trình chăm sóc người lớn tuổi, mang tên “Age Well SG”.
Ngoài ra, quốc gia này cũng tăng cường các mạng lưới trung tâm có tính giải trí và giao tiếp xã hội dành cho người già. Tuy nhiên, sự tách biệt với xã hội vẫn là một thách thức. Số người dân từ 65 tuổi trở lên phải sống một mình tiếp tục tăng từ 58.000 người vào năm 2018 lên 79.000 vào năm 2022.
Ước tính cho đến năm 2030, cứ 4 người dân Singapore thì có 1 người từ 65 tuổi trở lên. Ảnh: AFP
2. Malaysia hiện trải qua sự thay đổi quan trọng về nhân khẩu học do dân số già hóa. Số liệu của chính phủ cho thấy, năm 2023 tỷ lệ người dân từ 65 tuổi trở lên tăng 7,4%, tương đương khoảng 2,5 triệu người. Dự báo, xu hướng này sẽ tăng trong những năm tới và Malaysia có thể trở thành quốc gia dân số già hóa với 15% số dân từ 60 tuổi trở lên vào năm 2030. Trong bối cảnh dân số già tăng nhanh, số lượng trung tâm cho người cao tuổi cũng nở rộ vì nhiều người già ở Malaysia muốn giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Ông Singam, 74 tuổi, cựu kỹ sư đã sống ở làng dưỡng lão tại bang Perak hơn 6 năm qua. Ông quyết định chuyển đến sống ở đây do những thay đổi về KT-XH. “Gia đình hiện nay không còn là những hạt nhân như ngày xưa”, ông nói. “Sẽ là không thực tế hay công bằng nếu kỳ vọng con cái phải rảnh rỗi để chăm sóc cha mẹ lớn tuổi”. Đối với ông Singam và nhiều người cao tuổi khác ở Malaysia, sống độc lập trong cộng đồng của họ đem lại cảm giác an toàn và tăng cơ hội giao tiếp xã hội.
3. Trong khu vực Đông Nam Á, thách thức già hóa dân số ở Thái Lan có vẻ tệ hơn cả. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, khoảng 2,5 triệu người dân nước này sẽ từ 80 tuổi trở lên trong vòng 20 năm tới và cần được chăm sóc. Góp phần vào cuộc khủng hoảng này ở Thái Lan là tỷ lệ sinh giảm mạnh.
Hiện gần 16% dân số Thái Lan từ 60 tuổi trở lên và tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng lên 38% vào năm 2050, cao nhất trong số các nước Đông Nam Á có dân số tương đối đông. Nhờ điều kiện dinh dưỡng và sự tiếp cận với thuốc men được cải thiện, tuổi thọ của người dân Thái Lan tăng cao hơn và hệ quả là nước này sẽ chứng kiến một xã hội với dân số siêu già chỉ trong chưa đầy 10 năm nữa. Trong khi đó, nghèo khó và nợ hộ gia đình được dự báo tiếp tục tác động đến tầng lớp lao động và nông dân ở nước này. Tăng trưởng kinh tế của Thái Lan cũng được dự báo chỉ đạt 2,6% trong năm nay. Vậy nên, những người cao tuổi có thể phải trải qua những năm còn lại với nhiều khoản chi phí ngày càng cao.
LÊ QUẢNG (Theo SCMP)