Neo nơi vệt xước thời gian (*)
Chạm vào thơ, là chạm vào cái hiện hữu sau những con chữ mà người viết chắt lòng bày ra. Ô cửa vẫn sáng đèn, như cách Hồng đặt tên cho tập thơ vừa mới xuất bản, là ô cửa mở, lặng sáng giữa phố khuya say giấc, được thắp từ một thế giới nội tâm dịu dàng.
Hồng cảm nghiệm sự tồn tại của mình nhỏ bé đến hư vô: có thể tôi còn trong vệt xước thời gian (Cho loài hoa cánh mỏng). Còn không được là kẽ hở, chỉ là một vệt xước, nơi hạt bụi khỏa mình chờ hóa kiếp, bé chỉ vừa đủ cho chiều rỉ gió. Ở đó, khởi cũng là kết, nên trong ba thì của thời gian, Hồng không chia thì tương lai, cô không để tâm lắm về sự hiện hữu của nó, nếu có, cũng chỉ là hiện thân của ảo ảnh, rạn vỡ, tàn phai: Hoang vu từ thuở vội vàng chia xa - Rồi đổi lá rồi thay hoa - tình trăm năm nhớ còn ra tro tàn - Muộn phiền từ độ hân hoan - trái tim còn biết nồng nàn với ai (Lục bát vu vơ).
Cô nhẹ không cả khi nói về nỗi buồn: Xin cho nằm giữa hư không - chôn vị buồn dưới một đồng cỏ thơm (Lục bát vu vơ). Trích yếu đời thơ - đời người của cô tưởng cũng giản đơn: Hơn ba mươi năm tôi chẳng dám khổ đau- cứ cười như chim rừng đã ăn vừa quả ngọt - lẻ bóng thị thành - nửa đời lối nhỏ - tháng ngày im lắng sương rêu (Tự khúc). Hồng không muốn kéo người đọc chìm vào dự cảm buồn đau. Cô bận tâm nhiều hơn đến quá khứ, nhất là khi nó có mối nối với thực tại, neo nơi vệt xước này, nơi tương lai đồng thời hiện hữu. Vệt xước nở ra những đóa hoa thơ thơm ngát, lạnh buồn mà da diết niềm yêu cuộc sống.
Đọc thơ Hồng, người đọc không khỏi băn khoăn, làm thế nào cô gái nhỏ bé ấy có thể neo vững thế, để không bị cuốn vào hố thẳm của tuyệt vọng, dòng chảy vô tình đến nghiệt ngã của thời gian Một mùa xuân nữa lại rời đi nhân lúc ta nằm ngủ. Đặt câu hỏi, để tự tìm ra câu trả lời từ những vần thơ giàu sức nặng nội tâm. Dấu vết thời gian dày đặc trong Ô cửa vẫn sáng đèn với bước đi của bốn mùa xuân hạ thu đông, của các buổi trong ngày, của phút này. Thời gian gấp vội, Hồng neo hồn mình lần lữa, nấn ná, chậm trong từng khoảnh khắc: Đừng ra khỏi mùa xuân - hãy đợi một chiếc hôn như lần sau cuối (Thì thầm). Lần lữa để cảm nhận sâu thẳm trong từng tế bào sự hiện diện của một cơn mưa, một ánh nhìn, đóa dã quỳ, nhành thạch thảo, hoa loa kèn… khơi thức các giác quan, sống với mỗi sắc màu, âm thanh, mùi hương…
Thơ Hồng nhạy cảm, nhất là sự nhạy cảm của xúc giác: hoa đậu thơm rìa đất - mặt trời rét run lên (Trên lối). Sự nhạy cảm mang tính chất của vết xước, dễ cảm biết từng đổi thay. Sự nhạy cảm cũng mở rộng chiều kích không gian thơ, một không gian vừa nhỏ, đi về với phố, với ngôi nhà ấm hơi tình thương bố mẹ, thỉnh thoảng mở ra một vài nơi, chẳng hạn biển. Tôi thật sự thích những câu thơ Hồng viết về biển, nghe ra âm vang một Quy Nhơn xanh sóng giữa cao nguyên, chủ yếu vẫn là sóng dội về từ ký ức, không gian thơ mở về bên trong, mang tính chất nội cảm đối thoại - độc thoại.
Tưởng chừng đơn sắc trong miên man tự khúc, nhưng không, bằng vẻ đẹp riêng thơm ngát giản dị chân thành, Lữ Hồng nhắc nhớ người đọc những rung cảm li ti, đôi khi thoáng qua mà ta rất dễ vuột trôi. Từ Một mai thức dậy (2017) đến Ô cửa vẫn sáng đèn (2024), sau chặng đường thơ bảy năm, người đọc gặp lại Lữ Hồng với thêm rất nhiều đằm lắng, suy tưởng. Đóa hoa thơ thứ hai nở trên vệt xước thời gian, neo từ nguồn mạch một tâm hồn nhạy cảm mà không yếu đuối, yêu và dành cho thơ sự trân trọng đến tận cùng chân thật và được thơ yêu, trong cuộc độc hành nhân sinh có thơ bầu bạn.
DUYÊN AN
(*) Đọc Ô cửa vẫn sáng đèn của Lữ Hồng, NXB Hội nhà văn, 2024.