Tạo sinh khí mới cho di sản tháp Chăm
Từ cuối tháng 6 đến tháng 8.2024, Sở VH&TT tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật văn hóa Chăm tại tháp Đôi (TP Quy Nhơn) và tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước) để phục vụ người dân, du khách đến tham quan. Cùng với việc biểu diễn nghệ thuật, ngành Văn hóa Bình Định định hướng tạo thêm sản phẩm, dịch vụ nhằm phát huy giá trị hệ thống di tích tháp Chăm gắn với phục vụ du lịch.
Đưa di sản Chăm đến gần công chúng
Bình Ðịnh là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, lịch sử. Nơi đây từng là kinh đô của vương quốc Champa xưa. Ngoài hệ thống các phế tích, di tích Champa nằm dưới lòng đất được phát lộ trong các đợt khai quật khảo cổ, trên địa bàn tỉnh hiện còn 8 cụm/14 tháp Chăm - là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa mang nét đặc trưng. Tỉnh Bình Định cũng đã đầu tư tu bổ, tôn tạo, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất để bảo tồn các tháp Chăm, hướng tới phục vụ du lịch; trong đó, 4 cụm tháp: Bánh Ít, tháp Đôi, Cánh Tiên, Dương Long khai thác tốt việc đón du khách đến tham quan.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: “Tháp Đôi nằm trong lòng TP Quy Nhơn, còn tháp Bánh Ít nổi tiếng là công trình kiến trúc cổ duy nhất của Việt Nam được đưa vào giới thiệu trong cuốn sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của nhóm tác giả người Anh, do cây bút chuyên viết về kiến trúc Mark Irving làm tổng chủ biên, Quintessence (Anh) xuất bản. Hai di tích này là điểm đến thu hút đông du khách đến tham quan, do vậy việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật Chăm vừa nâng cao hiệu quả quảng bá giá trị di sản, vừa tạo thêm sản phẩm để phục vụ du khách đến trải nghiệm”.
Vào hai buổi sáng - chiều, Đoàn nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận biểu diễn tại tháp Bánh Ít vào ngày thứ Năm và tại tháp Đôi vào các ngày thứ Hai, Ba, Tư, Sáu, Bảy và Chủ nhật.
Theo nghệ nhân Vạn Quang Phú Đoan, Trưởng Đoàn nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận, đầu tháng 7 năm ngoái, lần đầu tiên Đoàn có mặt biểu diễn tại Bình Định chỉ vài ngày nhưng công chúng đón nhận rất nồng nhiệt, lần này trở lại biểu diễn trong 2 tháng, Đoàn chuẩn bị kỹ lưỡng hơn các tiết mục hòa tấu nhạc cụ Chăm (trống Ghinăng, kèn Saranai, trống Paranưng); múa Chăm; hát dân ca Chăm; trình diễn nghệ thuật làm gốm, dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm… để phục vụ người dân địa phương và du khách.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh - đơn vị quản lý hệ thống di tích tháp Chăm, cho biết: Trung bình mỗi ngày tại tháp Đôi và tháp Bánh Ít đón từ 400 - 500 lượt khách, từ khi có thêm chương trình biểu diễn nghệ thuật Chăm, số lượng du khách đến tham quan tại hai cụm tháp tăng lên 900 - 1.000 lượt/ngày. Đây là tín hiệu vui trong khai thác du lịch văn hóa tại tháp Chăm. Giá vé vào cổng vẫn giữ theo quy định lâu nay (không tính thêm phí xem biểu diễn chương trình nghệ thuật Chăm), tại tháp Đôi là 20.000 đồng/vé người lớn, 10.000 đồng/vé trẻ em; tháp Bánh Ít là 15.000 đồng/vé người lớn, 7.500 đồng/vé trẻ em.
Biểu diễn nghệ thuật Chăm tại tháp Bánh Ít. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nghệ nhân vui, du khách hào hứng
Đến tham quan tháp Đôi và tháp Bánh Ít trong những ngày hè sôi động, du khách không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của những ngôi tháp Chăm mà còn được thưởng thức những giai điệu tươi vui, sâu lắng của các ca khúc Chăm, xen lẫn những điệu múa Chăm uyển chuyển, khoan thai đa dạng sắc màu.
Lần đầu tiên đến Quy Nhơn, tham quan tháp Đôi, chị Nguyễn Thị Ngọc, du khách đến từ tỉnh Quảng Ninh rất ấn tượng khi được thưởng thức những tiết mục biểu diễn nghệ thuật Chăm cuốn hút giữa không gian xanh mát trong khuôn viên tháp.
Nhiều lần đến Quy Nhơn, nhưng lần này trở lại được thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật Chăm tại tháp Đôi, anh Lê Văn Yên, du khách đến từ tỉnh Gia Lai cho rằng mình rất may mắn. “Tôi đến tháp Đôi rất nhiều lần, những lần trước đến đây cũng chỉ tham quan, chụp ảnh rồi về. Nhưng lần này thì khác, không khí rộn ràng hơn nhiều vì có những nghệ nhân Chăm biểu diễn, tôi cũng như nhiều du khách khác thấy thích thú. Hy vọng trở lại đây vào những lần khác sẽ có thêm nhiều hoạt động để du khách trải nghiệm”, anh Yên bày tỏ.
Sau mỗi lượt biểu diễn, các nghệ nhân Chăm đều dành thời gian để giới thiệu về các tiết mục biểu diễn, nghề dệt thổ cẩm, làm gốm truyền thống, mời du khách giao lưu, chụp ảnh với các nghệ nhân khiến du khách có thêm ấn tượng trong chuyến du lịch cùng bạn bè, gia đình đến với vùng đất Bình Định.
Nghệ nhân Vương Rock, ca sĩ Đoàn nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận, chia sẻ: “Tôi rất xúc động bởi tình cảm của người dân địa phương, du khách dành cho anh em của Đoàn. Có người thấy tôi hát nhiều bị ho thì mang thuốc, mật ong cho tôi uống; các anh chị bên Sở VH&TT đưa xe đến mời chúng tôi đi tham quan các thắng cảnh, di tích của Quy Nhơn - Bình Định để hiểu thêm nét văn hóa, lịch sử nơi đây. Những tình cảm chân tình ấy đã tiếp thêm động lực để chúng tôi biểu diễn phục vụ bà con, du khách. Để tạo sự hấp dẫn trong chương trình biểu diễn, chúng tôi thay đổi trang phục, làm mới các tiết mục biểu diễn, xen kẽ thêm vũ điệu cung đình Apsara để lôi cuốn khán giả…”.
Theo kế hoạch, Sở VH&TT sẽ tuyển chọn lực lượng nghệ nhân, diễn viên người Chăm H’roi huyện Vân Canh và mời các nghệ nhân Đoàn nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận về Bình Định truyền dạy trình diễn để có lực lượng tại chỗ phục vụ du khách; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh gắn phục vụ du lịch.
“Về lâu dài, Sở VH&TT sẽ tham mưu UBND tỉnh kêu gọi DN du lịch đầu tư xã hội hóa mở thêm một số dịch vụ chụp ảnh, cho thuê trang phục, bán sản phẩm lưu niệm, tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật… tại tháp Đôi và tháp Bánh Ít để tạo sản phẩm du lịch văn hóa phục vụ du khách khi đến Bình Định”, ông Tạ Xuân Chánh chia sẻ thêm.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN