Mở hướng mới với nghề nuôi dúi
Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Đinh Văn Tạo (31 tuổi, dân tộc Bana, ở thôn 1, xã An Toàn, huyện An Lão) đã khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi dúi. Qua gần 6 năm triển khai, mô hình của anh cho nguồn thu nhập ổn định, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nhiều thanh niên trẻ ở địa phương.
Trước đây, anh Tạo có thời gian đi học nghề và làm cơ khí ở TP Quy Nhơn; tuy nhiên, do công việc vất vả, thu nhập bấp bênh, không đủ sống nên anh trở về quê lập nghiệp. Tìm hướng phát triển kinh tế ở quê nhà, anh luôn trăn trở phải nuôi con gì, làm việc gì khi quê anh thuộc vùng miền núi xa xôi, điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn.
Năm 2018, khi lướt mạng xã hội và xem video một số mô hình nuôi dúi, anh Tạo nhận thấy con dúi là loài vật dễ chăm sóc, trong khi đó lợi nhuận mang lại khá cao, không cần bỏ ra chi phí nhiều. Nghĩ là làm, anh quyết định đặt mua 3 cặp dúi giống ở tỉnh Khánh Hòa về nuôi thử nghiệm, đầu tư làm chuồng trại. Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, mở rộng mô hình, lúc cao điểm đàn dúi của anh lên tới gần 70 cặp giống con, bố mẹ.
Mô hình nuôi dúi mang lại thu nhập khá cho gia đình anh Tạo. Ảnh: T.C
Anh Tạo cho hay, đặc tính của con dúi kỵ ánh sáng, ưa mát mẻ, kín gió nên chuồng nuôi phải xây dựng rộng, khép kín. Anh dùng gạch lát nền gắn lại với nhau làm các ô chuồng theo diện tích 50 x 50 cm, chiều cao khoảng 60 cm, cứ 1 m2 chia thành 4 ô, một ô nuôi từ 1 - 2 con. Thức ăn cho dúi khá đa dạng và dễ kiếm như thân tre, bắp, khoai mì, mía, chuối... nhưng phải sạch, không được dính nước để dúi không mang bệnh.
Trung bình mỗi năm dúi cái đẻ 3 lứa, mỗi lứa từ 3 - 4 con. Con non từ khi sinh ra khoảng 3 tháng là có thể xuất bán giống. Mỗi năm anh xuất bán ra thị trường trên 50 cặp dúi giống các loại, thu lãi gần 70 triệu đồng.
Ngoài chăn nuôi dúi, anh Tạo còn mạnh dạn chuyển đổi 1 ha đất trồng cây keo lai kém hiệu quả sang trồng dứa, cây đương quy; mở tiệm tạp hóa, nấu rượu, bán mật ong và mua bàn bida phục vụ nhu cầu giải trí của người dân địa phương. Nhờ biết cách làm kinh tế, cuộc sống của gia đình anh ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Chủ tịch UBND xã An Toàn Nguyễn Văn Vân đánh giá: Anh Đinh Văn Tạo là một trong những gương thanh niên dám nghĩ, dám làm, phát triển kinh tế điển hình ở địa phương. Mô hình nuôi dúi có vốn đầu tư ít nhưng lại cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, UBND xã đang khuyến khích các thanh niên trên địa bàn đến học hỏi mô hình của anh để chăn nuôi, phát triển loài vật này, từ đó tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo.
TRIỀU CHÂU