KỶ NIỆM 70 NĂM KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH GENEVA (21.7.1954 - 21.7.2024)
Phát huy tinh thần Hiệp định Geneva trong tình hình hiện nay
Cách đây vừa tròn 70 năm, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Đây là sự kiện trọng đại của dân tộc, mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta.
Văn kiện ngoại giao quan trọng
Trải qua 75 ngày đêm đàm phán với 31 phiên họp, trong đó có các phiên họp toàn thể, phiên họp cấp trưởng đoàn cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, Hiệp định Geneva đã được ký kết vào ngày 21.7.1954.
Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam cùng với Hiệp định Sơ bộ ngày 6.3.1946 và Hiệp định Paris năm 1973 đã trở thành 3 văn kiện ngoại giao quan trọng nhất trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta. Hiệp định Geneva là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng. Lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương. Pháp và các nước tham gia hội nghị “cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”, “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Gần 20 năm sau, Hiệp định Paris năm 1973 đã khẳng định lại những cơ sở pháp lý quan trọng này: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”.
Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, mở đầu cho thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới. Hiệp định Geneva là điều ước quốc tế đa phương đầu tiên Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết và thực thi, qua đó khẳng định vị thế quốc gia độc lập và có chủ quyền của Việt Nam trên trường quốc tế, là dấu mốc lịch sử trong nền ngoại giao Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Geneva. Ảnh tư liệu
Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại
Nhìn lại 7 thập kỷ kể từ ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, đặc biệt từ khi Đảng tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, đất nước ta đã đạt được những thắng lợi vẻ vang và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên gấp nhiều lần; đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai hiệu quả. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 7 nước đối tác chiến lược toàn diện, 11 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.
Sức mạnh tổng hợp, cơ đồ, vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao, được bạn bè quốc tế tín nhiệm đề cử gánh vác nhiều trọng trách quốc tế quan trọng trong các cơ chế, diễn đàn đa phương như: LHQ, ASEAN, APEC, ASEAM, WTO… Đặc biệt là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021; Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77; thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ 2023 - 2025, Ủy ban Liên Chính phủ Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi Vật thể của UNESCO; Ủy ban Luật pháp Quốc tế nhiệm kỳ 2023 - 2027; Chủ tịch ASEAN các năm 1998, 2010, 2020…
Việt Nam đã đóng góp tích cực cho công cuộc gìn giữ hòa bình, an ninh ở khu vực và trên thế giới. Chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như ngày nay.
Phát huy bài học kinh nghiệm từ việc ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trên các lĩnh vực; xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cần luôn luôn bình tĩnh, tỉnh táo nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò của công tác đối ngoại trong việc giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín quốc gia, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đối ngoại là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước, sự gắn kết nhịp nhàng của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân cùng đối ngoại chính trị, đối ngoại kinh tế, đối ngoại văn hóa, đối ngoại an ninh và đối ngoại các lĩnh vực khác.
MAI LÂM - NGỌC HIỀN