Sân banh
Truyện ngắn của ĐINH THỊ MINH NGỌC
Chiều. Trời mùa hè tầm 6 giờ vẫn còn nắng. Chùm tia nắng cuối ngày len qua những bụi cây bạc lá, hoe vàng trên đám ruộng sau mùa để trống. Tiếng dế, tiếng chim nghe chừng đã buồn; cảnh đeo tình, chiều về trông cái gì cũng buồn như xéo xắt lòng người. Lũ nhỏ chạy chơi ở sân banh cũng đà thấm mệt.
- Chiều mai có gió, đem diều thả ha…
- Mai lũ mình đi thiệt sớm, rủ thêm bọn thằng Toàn, con Thy nữa nhen.
Bọn thằng Nam, thằng Khang vừa thu dọn chai nước, vừa í ới nhắc thằng Duy.
Chiều nào cũng như chiều nào, bọn trẻ em trong xóm cũng ngóng đến giờ để được ra sân banh chơi. Chiều nào không có hẹn nhau ở sân banh là tụi nhỏ chẳng buồn cơm.
Nam, Khang, Duy, Toàn, Hải, Thy là bạn cùng trang lứa. Xóm cũng còn vài đứa nữa ở tuổi đọ đọ với nhau như thằng Boy, thằng Nguyên, thằng Tít... nhưng thân với nhau từ thuở nhỏ thì phải kể đến thằng Duy - con tôi và 5 đứa vừa kể. Hôm nào vui thì chúng chơi tới tối mịt, cơm nước vừa xong đã lại rọ rạy trước cửa nhà; hôm nào buồn ý lại xúi nhau “bỏ bạn” đứa này đứa nọ, phụng phịu đủ chiều.
- Mua oi si ăn chị Hai. - Thằng Toàn, em con Thy vừa tu xong chai nước Sting chạy lại nằn nì.
- Dìa nấu cơm, chút má làm xong có cái ăn liền chớ mầy! Ở đó mà oi si. - Con Thy làu bàu.
Tiếng là chị chớ mà má bọn nó sinh năm một, sít rịt vậy nên con Thy với thằng Toàn xêm xêm nhau. Dù cũng khoái ăn hàng, cũng ham chơi nhưng đã là chị thì đến giờ làm việc nhà là phải ưu tiên cho nhiệm vụ, nó tặc lưỡi la em rồi quày quả rảo bước về. Con gái đầu lòng như con Thy xóm tôi ai cũng khen. Ham chơi nhưng rồi vẫn còn biết lo lắm. Cũng chỉ mấy chuyện cơm nước, quét tước, dọn dẹp nhà cửa sơ sơ thôi, nhưng mà vẫn cứ là biết lo. Đi làm về tới ngõ thấy phong quang, cơm đã chín, canh đã bốc khói… chẳng gì cũng thấy bớt mệt. Có con gái lớn nó hay vậy!
Trẻ con bây giờ được ba mẹ cho ăn uống đủ đầy từ quê tới phố nên đứa nào cũng trông to con hơn so với tuổi. Thằng Nam lớp sáu đã gần sáu mươi ký, mấy đứa lớp bốn, lớp năm như thằng Khang, thằng Toàn, thằng Duy con tôi thì cũng bốn lăm, năm chục ký. Giữa đám thù lù như lu nhỡ nhỡ như vậy con Thy vẫn được không chỉ cha mẹ mà cả hàng xóm thương, cũng chỉ nhờ cái đức biết lo. Hơn một tuổi thôi, nhưng nom con Thy ra dáng chị chứ không phải chơi, nhiều người tấm tắc khen thế.
***
Biết xóm 1 có khoảnh đất trống quá đẹp để làm cái sân banh, từ trước khi nghỉ hè, thầy Thìn, thầy Linh ở trường xã đã đặt vấn đề dạy đá bóng cho bọn nhỏ với các bậc niên trưởng trong thôn, trong xóm. Thế rồi lớp mở ra, dạy hai buổi mỗi tuần, thầy thu học phí trăm rưỡi ngàn mỗi tháng, em nào gia cảnh khó khăn thì không những được thầy miễn phí mà còn cho thêm bộ đồ.
- Ê mầy, tụi mình đi học đá bóng đi Duy.
Thằng Hải cò nép nép ngoài cửa gọi với vào khi trời hè còn chang nắng và oi ả. Mẹ thằng Hải mới sinh em bé, nó mải chơi nên hè này trông có vẻ ốm hơn so với lũ bạn.
- Mẹ, cho con đi đá bóng nha mẹ. - Thằng con tôi lí nhí.
- Đợi tí nữa, độ 4 giờ đã con, nắng vầy mà banh với bóng gì. Dang nắng rầu đổ bịnh ra đó là ông nậu cho mấy má con mình ăn đòn.
Nói thì nói vậy nhưng đến cuối câu, giọng đã chùng xuống theo bọn nhỏ. Ngoài kia, thằng Hải cò đã chồm hẳn đầu vào bên trong, ánh mắt chừng như thiết tha năn nỉ. Bọn nhỏ, đúng là con nít mà, cứ có bạn, có chơi là chúng quên ráo, bất chấp cả nắng hè. Nhưng ai chưa từng là con nít hè… Tôi đành phẩy tay. Chỉ chờ có thế, cả hai thằng dọt luôn ra ngõ, nhanh như một cơn gió.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Mươi phút sau, đến phiên con bé em.
- Mẹ, cho con lên sân banh chơi iiiii… Con muốn chơi với anh Hai.
Nói chưa rõ lời, nhưng cũng quen ra sân banh, Út - đứa con gái 4 tuổi của tôi vừa nói vừa kéo tay tôi khi thấy vắng thằng anh. Những chiều rảnh rỗi, sau khi thu vén xong cơm nước, tôi cũng tranh thủ dắt bé Út ra sân banh. Trước là để dạo chơi cho con bé đỡ ngột ngạt, sau là quan tâm, để ý đến thằng con trai nứt mắt của mình. Phải nói là thầy Thìn, thầy Linh đang làm cho mùa hè năm nay ở xóm 1 bỗng nhiên sôi nổi hẳn lên.
Mấy em xếp thành hàng, chuyền bóng luồn qua người cho thầy…Tuýt… tuýt. Trên sân các cầu thủ nhí, đủ các lứa tuổi hăng hái thực hành sau tiếng còi của thầy.
- Nhanh lên Boy, nhanh lên em, luồn qua hàng nè chớ em. Đi đâu dẫy mậy!
Mấy thằng con trai lơn lớn ra vẻ đàn anh vừa thúc giục vừa chê thằng Boy đang chàng hảng hai chân dẫn bóng. Bộ dạng nhỏ thó của thằng bé vừa nghỉ hè lớp một khiến tôi vừa mắc cười, vừa thương.
- Rồi, rồi, Thy dẫn bóng đi Thy.
- Giãn hàng ra lũ bay, coi con Thy nó chui qua hổng lọt à.
Thằng Nam nhắc con Thy, rồi đẩy đẩy mấy đứa trong hàng. Là con gái chơi bóng đá, lại là đứa hơi dư cân nên con Thy khó khăn lắm mới qua được lượt chơi của mình. Tiếng reo hò, cổ vũ, nhắc nhở, cười đùa rộn vang cả cánh đồng chiều
- Một, hai, ba, bốn….. Bốn mươi. Một, hai,… năm, năm con bé.
Tôi tính nhẩm nhẩm rồi mỉm cười thầm vui vui, hơn bốn chục đứa nhỏ trên sân lại thoi loi ra năm đứa con gái. Có một cái sân, rồi có một trò chơi bổ ích dịp hè cho bọn trẻ bây giờ không phải là dễ, nên cha mẹ mấy đứa nhỏ xóm tôi, xóm trên, xóm dưới... ai cũng cho con theo tập.
Sân banh là một khoảng sân rộng chừng một sào đất, nằm sau lưng ủy ban xã, lọt giữa cánh đồng một vụ ăn nước trời ở xóm chúng tôi. Khi tôi về đây làm dâu, chỗ sân banh này là nơi thả bò. Chừng mươi con bò của các hộ dân sống xung quanh được cột ở đây, vừa có cái ăn, vừa đi lại cho đỡ cuồng chân. Chiều về, lại là sân chơi của biết bao thế hệ thanh thiếu niên.
- Cái thằng mắc dịch, nhắc mầy lùa mấy con bò đi ăn sao mầy không lùa. Còn mấy đứa kia, lũ bay né né ra cho bò nó đi chớ, lơ ngơ là nó húc á bây.
Bà Năm Hậu tay cầm cái roi ve vẩy, chân thấp chân cao đuổi theo mấy con bò, vừa la thằng con, vừa hô hét tụi nhỏ đang mải đuổi theo trái bóng. Bữa nay bà đi ăn giỗ ở xã bên, đường xa về muộn, biểu nó dẫn bò đi ăn mà nó quên trớt.
- Má dẫn bò đi ăn dùm con. Chiều nay con được đá chính, lỡ quên rầu... Nghen má!
Thằng Tèo con bà Năm kéo áo thằng Nam ngược về phía sau, vừa lớn giọng nói. Tèo học lớp 11, là một trong số những đứa nhiều tuổi nhất trong đám cầu thủ, nó gọi bà Năm là má chứ nhất định không gọi là dì. Mấy bà dì của nó dụ kiểu gì cũng không. Bà Năm là vợ sau của ba nó, nhà nó cũng không dư dả gì, nhưng bà Năm chăm nó rất kỹ, tịnh không một chút con anh con tui. Thành ra nó khăng khăng với các dì, không thể gọi là dì được, thương con chăm con như vậy, con thích gọi là má. Cái lý của nó nghe được quá nên lâu rồi các dì cũng không ép nó nữa. Chuyện đến tai bà Năm, không nói ra nhưng cứ nghe nó gọi má là bà lại xúc động. Nó học giỏi, khá ngoan, chỉ là chiều nay mải chơi nên quên thôi. Nên chỉ cần nghe thế thôi là bà đã xả lả mấy câu dặn con dề sớm ăn cơm để ba khỏi chờ rồi dẫn bò đi.
Cái sân banh dường như khiến hết thảy mọi thành viên xóm 1 yêu dấu của tôi bất ngờ trở nên xinh đẹp hẳn lên.
- Chủ nhật, dẫn con ra chơi hả Ngọc.
- Dạ, chị đón mấy nhỏ à?
Là người trong hàng xóm với nhau nhưng tôi và chị Tâm cũng ít có dịp chuyện trò. Nhưng từ ngày sân banh nhộn nhịp, không chỉ hai chị em mà nhiều người khác trong xóm tự nhiên lại năng gặp gỡ, trò chuyện với nhau nhiều hơn. Xóm giềng không dưng lại bất ngờ gắn kết.
- Ừ, nghỉ hè, cứ điện thoại nó bu. May có chỗ này chiều lại lũ chạy chơi, vận động.
- Dạ.
Tôi cười đồng tình. Chị Tâm là má của thằng Nam, thằng Khang. Cũng như tôi, sợ những mối nguy hiểm rình rập ở ngoài đường nên chị giữ rịt con trong nhà, làm bạn với ti vi và điện thoại. Hè đến, chúng vẫn cắp sách đến lớp học thêm thay vì ra sân chơi. Nhưng mọi chuyện thay đổi nhanh chóng từ khi thầy Thìn, thầy Linh mở lớp dạy đá bóng.
- Quơi, chú Ba cũng ra coi bọn nhỏ chơi na chú Ba.
Nhác thấy chú Ba, một cựu chiến binh trong xóm, bước thấp bước cao theo lối mòn về phía sân banh, tôi kêu lên gióng giả thay cho lời chào. Vừa kịp thấy hai chị em, chú Ba đổi hướng, vừa đi vừa nói.
- Ớ đúng, tao ra coi bọn nhỏ nó đá banh! À mà này, chú hỏi con Tâm chút, thằng chồng mầy lóng rày chạy máy ủi ở đâu xa hay sao mà tao thấy vắng. Mầy cho chú số điện thoại để tao bàn nhanh với nó chuyện này chút.
- Dạ để con nhắn qua cho chú. Nhưng chuyện gì mà gấp gáp dữ vậy chú…
- Chô… Gấp chớ! Không gấp cái hết hè là nó giảm trớt cái ý nghĩa chớ. Là nhóm cựu chiến binh trong xóm 1 mình đây thấy các thầy tổ chức chuyện dạy đá banh hay quá. Trẻ nhỏ có chỗ chơi nhưng mà bài bản thì chưa bài bản, nên cuối cùng nhóm thống nhất là vận động bà con mình trước tiên là cựu chiến binh chung tay dọn dẹp san gạt sao cho khu đất trống này bằng phẳng hơn, đẹp hơn; rồi thì các thầy sẽ chỉ cách để làm cái sân banh đúng chuẩn luôn. Hơn nữa mình còn đánh luống trồng cây trồng hoa, xới rãnh để thoát nước. Không chỉ sân banh, bọn nhỏ còn thả diều được nữa kia; đã vậy người lớn cũng có chỗ tập thể dục, thư giãn… Kiếm ít cái ghế đá để mấy đứa như chị em bây, đợi con chơi xong có chỗ ngồi tán dóc. Cái này gọi là công trình chào mừng Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7 của năm nay. Sao, chị em bây nghe có được không hả…
Nghe chú Ba hăng say nói một thôi dài, tôi hiểu câu chuyện rất nhanh. Nhưng cũng rất nhanh mắt tôi lại cay cay thương cảm. Không thương sao được he! Ai đời những người lính, nhất là lính già như chú Ba vốn vẫn xem Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7 là dịp được tôn vinh, để nhận từ phía cộng đồng, chứ nào phải để cho thêm nữa đâu, sau biết bao năm tháng cống hiến cho Tổ quốc. Thế mà những người cựu binh ở xóm 1 của tôi lại muốn nhân ngày của mình, thêm một lần nữa cống hiến cho lứa con cháu hôm nay. Thiệt tình, nói bộ đội Cụ Hồ cống hiến đến hơi thở chót là có thể hiểu theo nghĩa đen luôn chứ chẳng phải ví von theo nghĩa bóng.
- Mẹ ơi, sao mẹ lại khóc hả mẹ… - Bé Út níu tay tôi, vừa giật giật vừa hỏi.
Tôi nén giọng lại, mỉm cười: Mẹ thấy mấy anh chơi vui quá đấy con…
- Vui mà khóc ne mẹ…
- Ừ con… Tôi ghì đứa con gái bé bỏng vào lòng - Nhiều niềm vui đến cùng một lúc cũng khiến mình khóc đó con ạ! Tôi trả lời con mà như thầm nhắc nhủ với mình, đoạn xoay sang người lính già.
- Để chút tối con nói lại với chồng con nữa. Công chuyện hay, giàu ý nghĩa như vầy mà chỉ có mấy chú mấy anh cựu chiến binh thì hẹm cho tụi trẻ trung lũ con quá…
Gương mặt chú Ba đột nhiên sáng lên trong tiếng cười giòn tan:
- Nói được quá mầy, Ngọc! Dẫy mầy dề nói nó tối nay sang nhà chú nói chuyện luôn nghen. Thêm được một đứa là tốt thêm một chút. Càng có thêm nhiều người chăm lo cho bọn nhỏ thì công chuyện lại càng thêm vui, thêm tốt đẹp đó bây.