Nhà ở thuộc Khu thiết chế công đoàn Bình Định: Cần mở rộng diện đối tượng được mua nhà
Dự án nhà ở thuộc Khu thiết chế công đoàn Bình Định được đầu tư xây dựng theo chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhằm góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, qua triển khai trong thực tế đã nảy sinh những vướng mắc.
Dự án do Công ty CP Đầu tư xây dựng và cơ điện IEC làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 5.2023, xây dựng 4 tòa nhà 15 tầng với tổng cộng 1.498 căn hộ tại Khu đô thị mới Long Vân (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn). Đối tượng được mua nhà ở trước hết phải là công nhân, đoàn viên công đoàn, người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh, đồng thời đáp ứng các quy định khác.
Thời gian qua có nhiều cử tri kiến nghị về việc mở rộng thêm đối tượng được mua nhà ở. Giải trình về vấn đề này tại kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa XIII, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo cho biết, khi triển khai dự án, Tổng LĐLĐ Việt Nam và tỉnh tổ chức khảo sát, ghi nhận có khoảng trên 2.000 công nhân ở KCN Phú Tài và KCN Long Mỹ có nhu cầu mua nhà ở thuộc dự án trên. Tòa nhà đầu tiên CT1 của dự án với 378 căn hộ đang xây dựng, dự kiến cuối năm 2024 hoàn thành, tuy nhiên đến nay chỉ có 180 khách hàng đăng ký mua. Trên thực tế, có nhiều công nhân ở các DN ngoài KCN cũng đến đăng ký mua, nhưng không thuộc đối tượng được mua nêu trên.
Tòa nhà đầu tiên của dự án nhà ở thuộc Khu thiết chế công đoàn Bình Định đang xây dựng, dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành. Ảnh: H.THU
Theo ông Bảo, mở rộng đối tượng được mua nhà ở là cần thiết để giải quyết kiến nghị của cử tri, đồng thời cũng là điều nhà đầu tư mong muốn, bởi số người đăng ký mua nhà ở tòa nhà đầu tiên đến nay quá ít, trong khi còn 3 tòa nhà nữa sẽ xây dựng, càng rất khó khăn nếu đối tượng thu hẹp trong phạm vi KCN. Việc giải quyết kiến nghị này thuộc thẩm quyền của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Theo bà Huỳnh Thị Minh Hà, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh), chủ đầu tư dự án trên có kiến nghị mở rộng nhiều đối tượng được mua nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2025). Cùng với đó, thông qua các kênh của công đoàn, Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động nắm bắt được, có khá nhiều người làm việc trong các DN ngoài KCN ở TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, huyện Vân Canh, Tuy Phước có nhu cầu mua nhà ở thuộc Khu thiết chế Công đoàn Bình Định. Có công đoàn cơ sở của DN cũng liên hệ với LĐLĐ tỉnh để nhờ kết nối hỗ trợ công nhân được mua nhà ở, nhưng “vướng” quy định người mua phải làm việc trong KCN.
“Chúng tôi đã tham mưu cho Thường trực LĐLĐ tỉnh về việc mở rộng đối tượng mua nhà ở là cần thiết, nhưng mở rộng nhiều đối tượng theo Luật Nhà ở năm 2023 là chưa phù hợp, chỉ nên xem xét mở rộng cho đối tượng chính là công nhân, đoàn viên công đoàn, người lao động ở ngoài KCN để họ được thụ hưởng các công trình thiết chế công đoàn phục vụ cho nâng cao chất lượng cuộc sống”, bà Hà nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hoài Mộng Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Quy Nhơn, cho biết: Công nhân, người lao động làm việc ngoài KCN trên địa bàn thành phố có nhu cầu nhưng không nằm trong đối tượng quy định. Cần xem xét mở rộng đối tượng được mua nhà, đảm bảo phù hợp thực tế.
Tại kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng đặt ra yêu cầu giải quyết vấn đề bức xúc liên quan đến dự án nhà ở thuộc Khu thiết chế công đoàn Bình Định bằng những giải pháp thiết thực, nếu giá bán cao, công nhân lương 5 - 6 triệu đồng/tháng không thể mua được. Cần tăng nguồn vốn cho vay, tính đến các giải pháp khác phù hợp thực tế, như bố trí một số nhà cho công nhân thuê…
HOÀI THU