Hướng tới chấm dứt vi phạm về khai thác thủy sản
Ngày 4.7, Báo Bình Định có bài viết “Từ ngày 1.8.2024, khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản: Người vi phạm có thể bị phạt đến 20 năm tù”, đề cập một số nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết số 04/2024/ NQ-HĐTP ngày 12.6.2024 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản. Nghị quyết quy định 12 hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản bị xử lý hình sự, trong đó có nhiều mức phạt tiền, phạt tù rất nghiêm khắc. Bài viết nhận được ý kiến chia sẻ của ngư dân và đơn vị liên quan.
Theo ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, huyện có 682 tàu cá. Trong 6 tháng đầu năm 2024, 8 tàu cá của ngư dân Phù Cát vi phạm vùng biển nước ngoài. Vì vậy, Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với địa phương trong công tác chống khai thác IUU, trước hết là tuyên truyền, phổ biến để ngư dân biết, hiểu, không vi phạm.
“Nghị quyết quy định một số hành vi vi phạm bị xử phạt nặng cả về hình thức phạt tù và phạt tiền. Điều này sẽ đảm bảo tính răn đe, giúp ngư dân hiểu rằng thời gian tới nếu vi phạm trong xuất cảnh hoặc tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam; khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản… thì sẽ phải chịu hình phạt nặng. Từ đó, thay đổi nhận thức của ngư dân về trách nhiệm của mình trong việc chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, đảm bảo sinh kế bền vững cho ngư dân cũng như sự phát triển bền vững của ngành thủy sản”, ông Luận chia sẻ.
Ông Luận cho biết, trong 2 ngày 27 - 28.6, UBND huyện đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 04/2024/ NQ-HĐTP cho hơn 360 ngư dân. Thời gian tới, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền cho bà con ngư dân, trong đó tập trung vào các trường hợp tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài; yêu cầu chủ tàu cá, thuyền trưởng hoặc gia đình, thân nhân chủ tàu ký cam kết không vi phạm.
Theo ông Nguyễn Hữu Dự, Trưởng thôn An Quang Tây (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), thôn có 75 tàu cá lớn nhỏ. Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP được thực thi có ý nghĩa rất lớn đến đời sống của bà con, bởi suy cho cùng ngư dân chính là đối tượng được hưởng lợi lớn nhất nếu chấp hành nghiêm các quy định về khai thác thủy sản.
“Trước mắt, khi các cấp triển khai tuyên truyền, chúng tôi sẽ tích cực phổ biến đến từng hộ ngư dân để nắm bắt các quy định và chấp hành. Để tăng tính răn đe, cần xử lý nghiêm một số trường hợp vi phạm để làm gương; qua đó góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ổn định nghề cá và đời sống ngư dân”.
Nhiều năm thực hiện tốt các quy định về khai thác thủy sản, ngư dân Võ Duy Khương (ở phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn) tỏ ra tâm đắc với Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP. “Vừa qua xem truyền hình tôi biết nghị quyết này, cảm thấy tuyệt vời, đây là động lực cho những ngư dân hoạt động chân chính, chấp hành đúng quy định pháp luật. Với việc quy định mức phạt nặng, mong là sẽ răn đe những ngư dân còn ý định bất chấp, cố tình vi phạm. Tôi mong mọi ngư dân đều chấp hành tốt để gỡ “thẻ vàng” IUU, con cá xuất đi châu Âu có giá tốt hơn, cải thiện thu nhập cho ngư dân”, ông Khương nói.
ĐỨC MINH