Làng “treo” mép sóng
715 hộ gia đình với 3.100 nhân khẩu của thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát nhiều năm nay phải thường xuyên sống thắc thỏm âu lo trước cảnh bị sóng “ăn”. Làng cứ thu hẹp dần. Ngày càng lùi sâu lại. Cứ mỗi mùa mưa lũ lại teo tóp thêm. Nguy hiểm rình rập là vậy nhưng để di dời dân làng đến điểm tái định cư (TĐC) an toàn thật không hề đơn giản.
Nhìn từ xa, thôn Trung Lương như một ốc đảo, nằm thoi loi bên mép sóng. Những mùa sóng biển xâm thực đã dày và như hằn lên thành những nếp nhăn trên khuôn mặt những người dân nơi đây khi nhắc đến mưa bão. Mỗi khi nhìn ra biển, ánh mắt họ như khắc khoải khôn nguôi.
Phấp phỏng nỗi lo
Gắn bó với xóm chài Chánh Lương (thôn Trung Lương) đã hơn nửa đời người nên bà Nguyễn Thị Nề chẳng còn lạ gì chuyện bão về làng chài. Trong giọng kể của bà, tiếng gió gầm rít, gào rú, những cơn sóng hung tợn như muốn nuốt chửng những ngôi nhà trên bãi cát được bà tái hiện lại vừa sinh động, vừa kinh hoàng. “Ngồi trong nhà mà tim cứ đập thình thịch theo từng đợt sóng úp bờ. Tính từ năm 1975 đến nay, đã có tất thảy 6 lớp nhà với hơn 100 ngôi nhà bị sóng đánh úp. Tình trạng biển xâm thực, xói mòn ngày một nghiêm trọng. Riêng nhà tôi, trước đây khoảng cách từ chân tường đến miệng sóng khoảng 30m, nhưng giờ cũng chỉ còn chưa đầy 2m” - bà Nề kể và chúng tôi tin không có gì là quá đáng khi bà nhắc đến hai chữ “kinh hoàng”.
Năm 1999, trận triều cường lớn quét qua làng đã cuốn phăng 27 ngôi nhà nằm ở dãy trước xuống biển. Cơ nghiệp tiêu tan, trắng tay, các gia đình dựng tạm căn lều trên phần đất của người bà con. Tưởng tạm ổn, nào ngờ mùa lũ năm sau, biển cứ thế “ngoạm” dần, lấn sâu. Gần đây nhất, năm 2013, “bà thủy” bất ngờ “dội” sóng dữ vào bờ khiến ai nấy đều nhốn nháo, bỏ của chạy lấy người; may mắn là không bị thiệt hại nhân mạng.
Ông Huỳnh Văn Lân, 46 tuổi, ở xóm Chánh Đông tính toán, cứ như cái kiểu biển nó ngoạm bờ mấy năm qua thì vài năm nữa thôi, chỗ tôi với anh đứng đây với bây nhiêu nhà cửa vườn tược cũng hóa mênh mông. Ngày xưa cũng có chuyện biển xâm thực như này, nhưng vài chục năm mới thấy dấu. Bây giờ, cứ sau mỗi mùa mưa bão là thấy ngay sự thay khác, nhanh kinh khủng. Vài năm trước, những căn nhà này cách mép sóng tới mấy trăm thước. Bây giờ chỉ còn chừng vài chục bước chân. Sóng vỗ là nhà rung rinh. Mùa biển động, có lúc sóng xô vào đến tận nhà, đánh vào vách đá bọc trước nhà. “Dân biển thì phải bám biển mới sống được. Vả lại cũng quen, biển lấn đến đâu mình chạy đến đó”, ông Lân giải thích.
Nói về tình trạng biển lấn làng, ông Lê Dương Thanh, Trưởng thôn Trung Lương cũng tặc lưỡi thở dài: “Toàn thôn hiện có 715 hộ/3.100 nhân khẩu, trong đó, có 118 hộ hiện đang sống trong vùng nguy hiểm cần phải di dời đến nơi an toàn. Những hộ này chủ yếu ở xóm Chánh Nghĩa, Chánh Lương, Chánh Đông 1, Chánh Đông 2 và xóm Chánh Phước. Mỗi mùa mưa bão, triều cường đi qua, bờ biển lại bị “gặm nhấm”, bào mòn. Nhiều ngôi nhà đang đứng trước nguy cơ bị khoét rỗng chân tường và đổ sập xuống biển bất kỳ lúc nào”.
Tái định cư... không dễ
Trước thực trạng biển ngày càng lấn sâu vào làng, việc di dời, TĐC cho bà con được các cấp chính quyền, ban, ngành địa phương đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Từ Thiện, Chủ tịch UBND xã Cát Tiến, cho biết: “Từ năm 2009 đến nay, địa phương đã phối hợp với ngành chức năng tiến hành rà soát, cấp đất cho 21 hộ tại những vùng sạt lở, vùng bị thiên tai bão lũ uy hiếp ở thôn Trung Lương đến khu TĐC ở thôn Phương Nghi có diện tích 6 ha. Đến nay, đã có 14 hộ xây dựng nhà ở kiên cố; mỗi hộ nhận từ 140 - 150 m2 đất theo từng đề án quy hoạch và được ngành chức năng hỗ trợ 20 triệu đồng để di dời nhà”.
Theo lời ông Thiện là dù địa phương luôn quan tâm trong vấn đề TĐC cho bà con sinh sống ở vùng sạt lở, nhưng ngặt nỗi, bà con vẫn còn nặng tâm lý “tiếc của”. Địa phương đã tạo điều kiện cho người dân trong vấn đề TĐC bằng phương án vào mùa biển êm người dân có thể sinh sống tại nơi ở cũ để bám biển sản xuất nhưng không được cơi nới, sang nhượng. Mùa mưa bão thì cần phải ở tại khu TĐC địa phương đã cấp đất, nhưng nhiều hộ dân vẫn bất chấp nguy hiểm không chịu di dời, dù địa phương đã tích cực vận động và tuyên truyền.
Bà Phạm Thị Thọ, 61 tuổi, ở xóm Chánh Lương, thôn Trung Lương, cho biết gia đình bà nằm trong diện phải di dời vào khu TĐC triều cường Trung Lương. Đất TĐC đã được giao, nhưng chần chừ mãi đến giờ bà cũng không chuyển lên đó ở. “Vợ chồng tích góp mấy chục năm, vay mượn thêm bà con anh em lối xóm mới dựng nên căn nhà kiên cố ở gần biển, giờ bảo chuyển vào trong khu TĐC, lấy tiền đâu mà xây nhà” bà Thọ trăn trở.
Khi được hỏi: “Nhà nước đang triển khai kế hoạch xây dựng khu TĐC và di dời những hộ sống gần biển vào khu TĐC, bà con hưởng ứng chứ?”, nhiều người thở dài. Ông Huỳnh Văn Lân đáp: “Dù đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất, hỗ trợ tiền để chuyển đến khu ở mới nhưng do kinh tế còn khó, số tiền hỗ trợ chưa đủ để xây nhà nên nhiều người đành sống chung với hiểm nguy”.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, cán bộ địa chính xã Cát Tiến cho biết, đây là thực tế có thật tại địa phương. Điều kiện hạ tầng ở các khu TĐC mới xây dựng tốt hơn rất nhiều so với nơi ở cũ. Các hộ trong diện di dời vùng sạt lở nguy hiểm đều được cấp đất miễn phí để xây nhà, đảm bảo các điều kiện về giao thông, điện, nước… Tuy nhiên, đời sống kinh tế của bà con còn khó khăn, để xây dựng một căn nhà mới ở khu TĐC cần ít nhất 70-80 triệu đồng, trong khi mức hỗ trợ của Nhà nước để bà con ổn định cuộc sống hiện chỉ có 20 triệu đồng/hộ. Hơn nữa, là người dân vùng biển gắn liền với việc mua bán, đánh bắt thủy sản ở chỗ cũ, nếu di dời đến các khu TĐC thì không thuận lợi cho công việc.
Ông Bùi Đắc Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), cho rằng: “Hầu hết, người dân ở vùng sạt lở và nguy hiểm phải di dời TĐC là dân nghèo, khả năng tài chính quá eo hẹp, dù mức hỗ trợ di dời tăng lên 2 lần, tức từ 10 triệu đồng lên 20 triệu đồng/hộ, song vẫn không đáp ứng đủ kinh phí xây dựng nhà cửa. Mặt khác, do đời sống lâu đời gắn liền với đất ở và mồ mả tổ tiên… nên một số hộ không muốn đến nơi ở mới”.
“Đong đưa”
Vì lẽ đó, cảnh “chạy sóng” giữa đêm đã là chuyện thường xuyên xảy ra đối với người dân thôn Trung Lương mỗi khi mùa mưa bão về. Cuộc sống bấp bênh, phận người “đong đưa” cũng từ đó mà ra. Người dân làng biển Trung Lương kể, từ 30 năm trước, họ đã nhận thấy mối đe dọa của biển lấn bờ. Để bảo vệ làng, người dân trồng đước quanh bờ để giữ đất. Song vào mùa mưa lũ, đất làng vẫn “dắt díu” trôi ra biển khiến xứ này cứ “teo tóp” dần. Biết là nguy hiểm nhưng hơn 100 hộ dân vẫn cố bám víu lấy làng, bám biển để sản xuất. Bởi ngoài chuyện khó về kinh phí để xây dựng nhà mới ở khu TĐC đã đành, thói quen về cuộc sống mưu sinh đã “góp phần” níu kéo họ ở lại.
Thấy chúng tôi chụp ảnh những ngồi nhà sát mép biển, vợ chồng ông Nguyễn Dưỡng, có nhà nằm gần bên mép biển kéo chúng tôi vào nhà để “trút” bớt nỗi lo lắng. Ông Dưỡng, trần tình: “Phận người ở đây mong manh như “mành chỉ treo chuông”, nhất là vào khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm. Lúc đó sóng gió bão bùng bắt đầu nổi giận, người dân ở đây lại chuẩn bị cọc tre, bao cát để gia cố lại bờ kè nhằm hạn chế sức tàn phá của biển cả. Hộ nào nằm gần biển phải “liên hệ” trước với hộ có nhà cao hơn để được ở nhờ trong những ngày mưa to gió lớn. Sóng tới đâu, người dân lại di dời đến đó, ngôi làng qua mỗi mùa mưa bão lại thụt vào trong từ 10 đến 15 m”.
Như lời cán bộ địa chính Nguyễn Ngọc Thạch kể, cứ vào mùa lũ, địa phương phải cắt cử cán bộ “cắm chốt” tại thôn để chủ động hỗ trợ người dân ứng phó với thiên tai. Người già, trẻ nhỏ buộc phải di tản lên nơi cao ráo, an toàn. Trai trẻ, đàn ông ở lại giữ nhà, trông coi tài sản. Mưa lũ đến cảnh phụ nữ cõng con, đàn ông bế mẹ già lánh nạn trở nên quen thuộc với người dân.
“Dù bám riết mưu sinh với biển, nhưng cuộc sống người dân địa phương đều khó khăn. Thảm lắm! Nếu được tận mắt chứng kiến cảnh những đứa trẻ, mẹ già vật vã với những tháng sóng gió, nhà báo sẽ xót lắm. Biết nguy hiểm ẩn chực là thế, nhưng vì nghèo họ đành tiếp tục bám biển”, anh Thạch xót xa.
Với riêng chúng tôi, chia tay làng chài, điều khiến chúng nhớ mãi vẫn là hình ảnh những đứa trẻ. Giữa những lối đi đầy cát, chúng vô tư vui đùa. Đôi mắt chúng trong xanh như sóng nước trước nhà. Trong trí nhớ của chúng, những trận “chạy sóng” lúc nửa đêm chắc hẳn còn mờ nhạt và đứt quãng lắm. Bỗng có đứa hỏi tôi: “Năm nay, sóng biển có tràn vào nhà không chú? Bao giờ nhà cháu được hỗ trợ di dời đến khu TĐC?”. Câu hỏi ngây thơ như vậy với ánh mắt trông chờ cứ ám ảnh mãi tôi.
Một mùa mưa bão nữa đang về...
Bài, ảnh: NGUYỄN HÂN - TRỌNG LỢI
Đọc bài viết mà xót xa cho bà con ngư dân làng chài. Bài viết khắc họa lên nỗi đau, sự khổ người dân nơi đây. Cảm động đó là cảm xúc khi đọc bài viết này. Cần lắm những bài viết về cuộc sống như thế này, để bạn đọc gần xa biết được quanh cuộc sống tốt đẹp còn đó những thân phận bi đát. Hay chăng qua bài viết này, ngành chức năng ở Bình Định quan tâm chuyện an cư lạc nghiệp cho bà con ngư dân.