Trường hè SAGI 2024 về các Kỹ thuật Thiên văn: Quy tụ nhiều nhà nghiên cứu, khoa học về Vật lý thiên văn trên thế giới tham dự
(BĐ) - Ngày 22.7, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE) phối hợp với Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo khai mạc Trường hè SAGI 2024. Trường học tiếp đón gần 40 nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nghiên cứu sinh đến từ Việt Nam, Pháp, Canada, Mỹ, Nhật Bản tham dự.
Trường hè SAGI 2024 về các Kỹ thuật Thiên văn diễn ra từ ngày 22.7 - 2.8, là nơi quy tụ nhiều nhà thiên văn, như: TS Nguyễn Trọng Hiền (Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Trưởng nhóm Vật lý Thiên văn - SAGI tại Viện IFIRSE thuộc ICISE); GS Jean Andre Darriulat Pierre, Cựu Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) - Cố vấn khoa học tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam; TS Sayers Jack, Viện Công nghệ California (Mỹ); PGS Kurita Mikio - ĐH Tokyo (Nhật Bản); TS Nguyễn Lương Quang (ĐH Mỹ ở Paris, Pháp)…
Các nhà nghiên cứu, khoa học về Vật lý thiên văn trên thế giới dự khai mạc Trường hè SAGI 2024 về các Kỹ thuật thiên văn quy tụ chụp ảnh lưu niệm cùng GS Trần Thanh Vân. Ảnh: ICISE
Trường hè SAGI 2024 tập trung giảng dạy và hướng dẫn các kỹ năng thực tế trong quan sát, vận hành và phát triển thiết bị thiên văn. Mục tiêu là chứng minh thiên văn học không chỉ là một chủ đề thú vị mà còn quan trọng đối với sự phát triển của cả khoa học và công nghệ. Từ đó, mang đến cho học viên trải nghiệm học tập toàn diện từ kỹ năng đến kiến thức thực tế để theo đuổi niềm đam mê thiên văn học và vật lý thiên văn.
Bên cạnh đó, đây là cơ hội để các học viên được tiếp cận các bài giảng cập nhật mới nhất, giới thiệu về các khía cạnh quan sát của thiên văn học. Trong suốt chương trình, học viên sẽ tìm hiểu về thiên văn học và vật lý thiên văn song song với việc thực hiện các dự án quan sát thiên văn thực tế.
Học viên được học cách vận hành kính viễn vọng, thiết kế và thử nghiệm các thiết bị khoa học, đồng thời tiến hành quan sát định hướng nghiên cứu như các nhà thiên văn học chuyên nghiệp. Học viên sẽ trải nghiệm toàn bộ quá trình quan sát, chụp ảnh thiên thể và phát triển tư duy phân tích.
Để tăng trải nghiệm học tập, học viên còn có cơ hội tham quan Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo, thực nghiệm tại Đài quan sát thiên văn trong chương trình học với kính thiên văn Plane wave CDK600 có đường kính 600 mm, lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, được lựa chọn bởi các chuyên gia của Liên hiệp các hội Vật lý thiên văn thế giới.
GS Jean Andre Darriulat Pierre, Cựu Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) - cố vấn khoa học tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã có bài nói chuyện dành cho đại chúng về chủ đề Thiên văn học tại Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo. Ảnh: ICISE
Phát biểu tại lễ khai mạc, GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc ICISE cho biết: “Thiên văn học là một lĩnh vực đang còn thiếu và yếu về nhân lực tại Việt Nam. Do đó, Trường hè SAGI là một trong những nội dung quan trọng của dự án Vật lý Thiên văn - SAGI nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu cho nghiên cứu sinh, sinh viên trong lĩnh vực Vật lý thiên văn. Trường học này góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ tại Đài quan sát thiên văn Quy Nhơn phục vụ cộng đồng và bước đầu tham gia một phần vào công tác nghiên cứu. Hy vọng Trường hè SAGI lần này sẽ là môi trường thuận lợi góp phần phát triển năng lực và kích thích niềm đam mê Vật lý thiên văn của các học viên tham dự”.
Nhóm Vật lý thiên văn - SAGI của Viện IFIRSE do Quỹ Simons (Mỹ) tài trợ, là nhóm nghiên cứu Vật lý thiên văn lần đầu tiên được thành lập tại Bình Định, được sự hỗ trợ, dẫn dắt của các nhà khoa học gốc Việt, gồm: TS Nguyễn Trọng Hiền; TS Hoàng Chí Thiêm, Viện khoa học Không gian và Vũ trụ khoa học Hàn Quốc và TS Nguyễn Lương Quang.
Mục đích chính của Nhóm SAGI là thúc đẩy và hỗ trợ các nghiên cứu thiên văn của các nhà thiên văn trong nước thông qua các hợp tác nghiên cứu với các nhà thiên văn quốc tế. Qua quá trình hợp tác này, nhóm SAGI mong đào tạo được một đội ngũ chuyên viên nghiên cứu chất lượng trẻ cho Việt Nam, để họ có thể bắt kịp được với trào lưu phát triển của thiên văn thế giới. Về lâu dài, đây là nơi gặp gỡ cho các bạn trẻ, các nhà thiên văn người Việt, các nhà khoa học gốc Việt đang làm việc tại nước ngoài có cơ hội làm việc chung tại Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 21.7, trong khuôn khổ chương trình SAGI, GS Jean Andre Darriulat Pierre, Cựu Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) - cố vấn khoa học tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã có bài nói chuyện dành cho đại chúng về chủ đề Thiên văn học tại Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo nhân dịp Tuần lễ Thiên văn cộng đồng toàn quốc 2024.
TRỌNG LỢI