Thành Bình Định xưa và những điều còn đọng lại
Thành Bình Định xưa và những điều còn đọng lại (NXB Hội Nhà văn) là tên tập bút ký mới nhất của nhà văn Trần Duy Đức ra mắt bạn đọc đầu năm 2024. Sách tập hợp hơn 20 bài viết về đất và người An Nhơn, đậm đặc về lịch sử, văn hóa xoay quanh tâm lõi thành cổ Bình Định.
Thành Bình Định là một tòa thành cổ nằm ở trung tâm TX An Nhơn. Tên thành Bình Định được bắt đầu từ năm 1799, khi Nguyễn Ánh lấy thành Quy Nhơn và đổi tên thành Bình Định. Trong Đại Nam nhất thống chí, có ghi: “Thành cũ Chà Bàn: Ở địa phận 3 thôn Nam Định, Bắc Thuận và Bả Canh về phía Đông Bắc huyện Tuy Viễn. Xưa là quốc đô của Chiêm Thành, chu vi 30 dặm, trong thành có tháp cổ có nghê đá, voi đá, đều của người Chiêm Thành. Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc chiếm cứ thành này, nhân nền cũ xây đá ong, tiếm xưng là thành Hoàng đế. Năm Kỷ Mùi (1799), đầu đời Trung Hưng khi mới thu phục được đất này, đổi tên là thành Bình Định…”.
Nơi đây đã chứng kiến bao đổi thay, mất được của các triều đại, đặc biệt là cuộc chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn, về câu chuyện cảm động để lại nhiều huyền thoại của các tướng lĩnh Võ Tánh, Ngô Tùng Châu (của nhà Nguyễn), Trần Quang Diệu (của nhà Tây Sơn)…
Tập sách của Trần Duy Đức ghi lại những hưng phế thịnh suy của một thời gắn chặt với thành Bình Định. Di tích thành cổ giữ lại bao hình ảnh gắn chặt với đất và người An Nhơn: Đây là nơi tổ chức Trường Thi Hương Bình Định - một trong 7 trung tâm thi cử tuyển chọn nhân tài cho đất nước dưới thời vua Tự Đức; là nơi hội tụ của nhóm thơ Bàn thành Tứ hữu với những bạn thơ tài danh Quách Tấn, Yến Lan, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên. Nơi đây còn đánh dấu một thời kỳ đấu tranh chống thuế dưới thời Pháp thuộc mà An Nhơn là tâm điểm, do TS Hồ Sỹ Tạo lãnh đạo. Bên cạnh đó, nhiều câu chuyện thú vị khác được nhà văn Trần Duy Đức kể lại trong sách như chuyện chơi chữ của Bá Hộ Huệ, chuyện về vị quan Tổng đốc Nguyễn Đình Hiến (1872 - 1947) khí khái, thương dân…
Thành Bình Định xưa và những điều còn đọng lại gợi nhắc lại bao câu chuyện, nới rộng không gian địa lý, khám phá sâu rộng về An Nhơn xưa. Người đọc bùi ngùi khi thấy nhiều giá trị quý giá đã mòn phai. Thành cổ một thời đã hư hao, chỉ còn đôi chút vết tích. Bởi vậy, nhà văn Trần Duy Đức không khỏi tiếc nuối: “Lũy xưa, hào cũ chỉ còn là dấu tích, không còn cá bơi lội quanh năm và sen nở vào mùa hạ, những hàng gòn đến mùa no trái bông nở tung trắng xóa cũng không còn cây cuối cùng, tiếng còi tàu mỗi khi tàu lửa đến sân ga Bình Định vang lên hồi dài như là đồng hồ điểm giờ cũng đã vắng dần, và cũng không còn hình ảnh chợ Gò Chàm xưa, chợ Bình Định nay nhóm ban đêm vào những phiên áp Tết”.
Tập sách dày dặn, nhiều giá trị về mặt biên khảo, cho thấy sự trân trọng, tâm huyết của nhà văn Trần Duy Đức với quê nhà An Nhơn. Sách sẽ là một kênh tham khảo hữu ích cho bạn đọc khi muốn tìm hiểu thành cổ Bình Định, về lịch sử, văn hóa, đất và người An Nhơn.
NGÔ PHONG