Vì cuộc sống bình yên cho nhân dân
Nhanh chóng xử lý ô nhiễm bom mìn, vật nổ, làm sạch đất đai là cơ sở để tạo thêm nguồn lực cho phát triển KT-XH, góp phần giảm thiểu những vụ việc mất an toàn do bom, mìn sau chiến tranh gây ra.
Hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn
Là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề sau chiến tranh, những năm qua, tỉnh Bình Định được biết đến là địa phương đi đầu trong việc nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ (BMVLN). Để hoàn thành mục tiêu tỉnh an toàn, không chịu tác động của BMVLN, UBND tỉnh đã tích cực tăng cường hợp tác quốc tế trong việc khắc phục hậu quả BMVLN.
Đơn cử, trong giai đoạn 2018 - 2021, UBND tỉnh đã tích cực phối hợp, hợp tác với Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam, Chương trình Phát triển của LHQ triển khai thực hiện thành công dự án “Việt Nam- Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” (KVMAP).
Trong đó, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp với KVMAP triển khai nâng cao nhận thức về nguy cơ BMVLN cho gần 100 nghìn người dân địa phương và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành khảo sát kỹ thuật hơn 10.700 ha. Trong đó, đã xác định gần 4.800 ha đất bị ô nhiễm BMVLN và đã tiến hành rà phá, giải phóng được hơn 4.720 ha, thu được hơn 68.000 BMVLN các loại và tổ chức tiêu hủy an toàn. Đồng thời, đơn vị cũng phối hợp tổ chức tập huấn, tuyên truyền, giáo dục nguy cơ BMVLN tại 34 xã, phường, thị trấn trọng điểm về nguy cơ BMVLN và 84 trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, để giúp các nạn nhân bom mìn cải thiện chất lượng cuộc sống, dự án còn hỗ trợ đào tạo nghề, học bổng, dụng cụ học tập và sinh kế cho 332 người với tổng số tiền 3,7 tỷ đồng. Đặc biệt, Bộ CHQS tỉnh đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đảm bảo tiến độ Dự án “Làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” trên địa bàn tỉnh.
Bộ CHQS tỉnh tổ chức xử lý quả bom nặng 250 bảng Anh tại Cụm công nghiệp Gò Cầy (huyện Tây Sơn) vào cuối tháng 2.2024. Ảnh H.P
Tích cực dò tìm, thu gom và xử lý bom mìn
Vài năm trở lại đây, không còn những vụ nổ làm chấn động khu dân cư, song BMVLN vẫn còn làm người dân bất an. Đơn cử, cuối tháng 2 vừa qua, trong quá trình san lấp mặt bằng tại Cụm công nghiệp Gò Cầy (xã Bình Thành, huyện Tây Sơn), các công nhân đã phát hiện một quả bom nặng 250 bảng Anh (tương đương 115 kg), dài khoảng 100 cm, đường kính gần 30 cm. Quả bom này còn nguyên vẹn, rất nguy hiểm, có nguy cơ nổ bất cứ lúc nào khi có lực tác động.
Theo trung tá Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Công binh (Bộ CHQS tỉnh), diện tích bị ô nhiễm BMVLN có số lượng nhiều và nằm rải rác ở nhiều địa bàn trong tỉnh nên công tác rà phá, làm sạch là nhiệm vụ đầy thách thức, hiểm nguy. Với tinh thần trách nhiệm, Bộ CHQS tỉnh luôn xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu và nỗ lực thực hiện tốt.
“Từ năm 2010 đến ngày 30.6.2024, Bộ CHQS tỉnh đã tiến hành thu gom và xử lý 80.057 BMVLN các loại (trong đó có 36 quả bom phá từ 110 đến 1.000 bảng Anh). Mong rằng những thửa đất chúng tôi đã đi qua sẽ thật sự an lành, không bao giờ còn tiếng nổ của BMVLN, người dân được an toàn để sinh sống và sản xuất”, trung tá Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Nhằm tiếp tục huy động nguồn lực trong nước và quốc tế giúp giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của BMVLN phục vụ phát triển KT-XH, UBND tỉnh cũng đã xây dựng, ban hành Kế hoạch khắc phục hậu quả BMVLN giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh và cụ thể hóa thành các kế hoạch hành động. Qua đó, làm cơ sở quan trọng để huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Trung ương, tổ chức nước ngoài và địa phương, nhằm sớm loại bỏ sự nguy hiểm về BMVLN do chiến tranh để lại.
Trong đó, mục tiêu của kế hoạch này là giảm thiểu 15.000 ha nghi ngờ ô nhiễm; điều tra, khảo sát 10.000 ha và rà phá BMVLN trên diện tích 2.500 ha. Diện tích đất đai được sử dụng sau điều tra, khảo sát rà phá BMVLN là 2.500 ha. Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn BMVLN cho 50.000 người dân tại địa phương. Hỗ trợ 1.253 nạn nhân BMVLN, góp phần giảm thiểu tỷ lệ hộ nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trong khu vực ô nhiễm BMVLN...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng, tỉnh hướng đến việc hoàn thành khảo sát, lập bản đồ và phục vụ quản trị tốt nhất hoạt động khắc phục hậu quả BMVLN sau chiến tranh đối với các khu vực nghi bị ô nhiễm. Tất cả người dân được trang bị kiến thức và được cung cấp các hỗ trợ cần thiết để sống và làm việc an toàn. Tỉnh cũng mong muốn các tổ chức sẽ tiếp tục đồng hành với tỉnh thực hiện thành công công cuộc khắc phục hậu quả BMVLN và chất độc hóa học sau chiến tranh.
HỒNG PHÚC