Hoạt động sản xuất công nghiệp: Nỗ lực vượt khó để “về đích”
Từ đầu năm đến nay, vượt qua nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất công nghiệp (SXCN) của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh vẫn cơ bản giữ được ổn định và đạt được nhiều kết quả khả quan. Đây là động lực quan trọng để các DN tiếp tục nỗ lực hơn trong “chặng đua” cuối cùng của năm.
Nhiều sản phẩm CN tăng trưởng
Cuối tháng 8.2014, tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) khu vực miền Trung - Tây Nguyên (MT-TN) năm 2014 tổ chức ở Quảng Nam, trong số 45 sản phẩm của 15 tỉnh, thành khu vực MT-TN tham gia hội chợ, 8 sản phẩm của Bình Định đã đạt danh hiệu “Sản phẩm CNNTTB cấp khu vực”.
Theo ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, từ đầu năm 2014 đến nay, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước, hoạt động của các DN trên địa bàn tỉnh ít nhiều bị tác động; không ít DN hầu như chỉ hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, cũng trong bối cảnh khó khăn đó, nhiều DN đã nỗ lực củng cố, sắp xếp lại sản xuất, cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm bớt các công đoạn dư thừa; thực hành tiết kiệm thời gian, nguyên vật liệu; đồng thời tích cực tìm kiếm đối tác, bạn hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, hoạt động SXCN của nhiều DN đã từng bước hồi phục, duy trì và phát triển.
Trong tháng 8.2014, nhiều sản phẩm CN của tỉnh tăng khá so với cùng kỳ. Theo đó, có tới 12 sản phẩm tăng cao hơn mức tăng chung toàn tỉnh, trong đó có 8 sản phẩm tăng trên 15%, gồm: đá ốp lát, đá chế biến, tôm đông, thủy sản ướp đông, bia đóng chai, dung dịch truyền, may mặc, gạch ceramic. Đáng chú ý là sản lượng của ngành may mặc đạt 730 ngàn sản phẩm, tăng 20,4% so cùng kỳ; dung dịch truyền đạt 1,396 triệu lít, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ; đá ốp lát tăng gấp 2 lần, vật liệu xây dựng đạt 119.365 m3, tăng gần 15% so với cùng kỳ; đá chế biến khác tăng 20,3%, đá khai thác tăng 10,4%.
Ngành chế biến thực phẩm cũng có sự tăng trưởng khá, trong đó bia đóng chai sản xuất được 4,8 triệu lít (tăng trên 18% so với cùng kỳ); chế biến thức ăn chăn nuôi đạt 47.439 tấn (tăng 10,3% so cùng kỳ). Lũy kế 8 tháng đầu năm 2014, thức ăn chăn nuôi tăng gần 46%. Ngành chế biến thủy sản ướp đông thực hiện được 838 tấn, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2013; tôm đông lạnh thực hiện được 454 tấn, tăng gần 30%.
Cũng theo ông Nguyễn Kim Phương, với những nỗ lực trên, kết quả, trong tháng 8.2014, Chỉ số SXCN trên địa bàn đã tăng 9,5% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành CN chế biến, chế tạo tăng gần 15%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,4%; cung cấp nước và xử lý chất thải tăng 8,5%. Tính chung 8 tháng đầu năm 2014, chỉ số SXCN của tỉnh tăng 7% so với cùng kỳ.
Nỗ lực trong “chặng cuối”
Kết quả mà các DN SXCN trên địa bàn tỉnh đạt được trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn đó những hạn chế, khó khăn và cả những thử thách ở phía trước. Theo ông Võ Mai Hưng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính thuộc Sở Công Thương, bên cạnh các SPCN có sự tăng trưởng khá, vẫn còn một số sản phẩm chủ lực của tỉnh sụt giảm đáng kể. Trong tháng 8.2014, sản lượng của ngành chế biến gỗ ước đạt gần 432 ngàn sản phẩm, giảm 12% so cùng kỳ; titan thực hiện 29.800 tấn (giảm trên 54%); giày dép đạt khoảng 68.000 sản phẩm (giảm gần 55%)...
Nói như vậy không có nghĩa là hoạt động SXCN của các DN trên địa bàn hoàn toàn là “màu xám tối”. Ngược lại, có khá nhiều “tín hiệu lạc quan” của hoạt động SXCN trên địa bàn đã báo hiệu những tia hy vọng. Theo ông Nguyễn Kim Phương, hiện trên địa bàn tỉnh có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đang hoạt động với tổng công suất đạt 1,5 triệu tấn/năm. Trong quý IV năm nay, hai nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam và Công ty TNHH MTV Con Cò Bình Định chính thức đi vào hoạt động sẽ mở ra cơ hội mới. Bên cạnh đó, ngành CN chế biến tôm trong nước đang có lợi thế do nguồn cung của một số nước Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc giảm do dịch bệnh; còn ngành CN giày dép của tỉnh bước vào vụ sản xuất chính của năm 2014.
Trên cơ sở đánh giá, phân tích tình hình KT-XH và hoạt động SXCN, Sở Công Thương đã đề ra một số nhiệm vụ, kế hoạch của tháng 9 và những tháng cuối cùng của năm 2014. Theo đó, Sở Công Thương xác định: Trong tháng 9.2014, sẽ nỗ lực đạt chỉ số SXCN tăng 8%; kim ngạch xuất khẩu đạt 46 triệu USD (tăng 5,7%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Điều đáng ghi nhận là để hoàn thành những nhiệm vụ, mục tiêu trên, Sở Công Thương đã đề ra một số giải pháp, như: Tập trung theo dõi một số sản phẩm chủ yếu (như thủy hải sản, dược phẩm, thức ăn chăn nuôi, may mặc...), đôn đốc, tạo điều kiện các DN vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, nhất là dự án nâng công suất lên 120 tấn/ngày của Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định; đồng thời tạo điều kiện cho Tập đoàn Dệt May Việt Nam sớm hoàn thành việc chọn địa điểm để lập dự án đầu tư Tổ hợp dệt nhuộm, đôn đốc nhà đầu tư sớm khởi công xây dựng nhà máy thủy sản An Hải; hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án tinh bột sắn tại cụm công nghiệp Tà Súc (Vĩnh Thạnh). Bên cạnh đó, Sở sẽ hoàn thành công tác điều tra mở rộng năng lực sản xuất của một số SPCN trên địa bàn tỉnh; trình UBND tỉnh phê duyệt “Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”; tổ chức thẩm định các đề án khuyến công thuộc kế hoạch kinh phí Khuyến công Quốc gia năm 2015 trình Bộ Công Thương; tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã và đơn vị đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các đề án khuyến công.
VIẾT HIỀN