Nhiều học sinh vi phạm Luật Giao thông
Ở tỉnh ta, ngày càng có nhiều học sinh (HS) THPT thường xuyên điều khiển mô tô, xe máy phân khối lớn đến trường, dù đa phần trong số đó chưa đủ các điều kiện sử dụng phương tiện. Những HS này phần lớn cũng không đội mũ bảo hiểm (MBH), chở quá số người quy định.
“Đầu trần” phóng xe vun vút
Theo ghi nhận của PV Báo Bình Định tại một số trường THPT trên địa bàn TP Quy Nhơn như Trường THPT Nguyễn Thái Học, THPT Trần Cao Vân, THPT Quy Nhơn, THPT Hùng Vương…, vào đầu và cuối mỗi buổi học, có rất nhiều HS điều khiển xe máy đến trường. Đáng nói, rất nhiều HS kể cả nam, lẫn nữ đều không đội MBH khi điều khiển phương tiện và thường xuyên chở 3, chở 4. Để tránh sự kiểm soát của nhà trường, các em thường đi xe máy đến gần trường, sau đó gửi xe tại các điểm giữ xe gần đó, rồi mới vào lớp học.
Theo Đội CSGT CA TP Quy Nhơn, năm 2013, qua công tác tuần tra, kiểm soát, Đội đã phát hiện và xử lý 272 trường hợp HS, sinh viên vi phạm Luật GTĐB; các lỗi vi phạm chủ yếu như: điều khiển xe máy nhưng không đội MBH, không có giấy phép lấy xe, vượt đèn đỏ, lạng lánh, đánh võng, chở quá số người quy định...
Bên cạnh đó, hiện nay, lỗi vi phạm mà đông đảo HS đều mắc đó là điều khiển phương tiện xe đạp điện, xe máy điện đến trường nhưng không đội MBH. Ngoài ra, việc các em HS bậc THCS, THPT vô tư vượt đèn đỏ từ lâu đã thành chuyện bình thường… ở xã. Anh Nguyễn Gia Khương (phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn), cho biết: “Tôi chẳng hiểu nhà trường, phụ huynh (PH) tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở các cháu HS như thế nào, mà rất nhiều cháu ngang nhiên vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông trên đường, nhất là vào những giờ tan trường”.
Những lỗi vi phạm trên không chỉ diễn ra đối với HS đang học tại TP Quy Nhơn, mà dường như tất cả HS ở các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đều mắc phải. Theo ghi nhận của chúng tôi tại các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn, Tây Sơn, thị xã An Nhơn…, số lượng HS điều khiển phương tiện mô tô, xe đạp điện, xe máy điện đến trường ít hơn so với HS ở TP Quy Nhơn; nhưng các hành vi vi phạm như không đội MBH, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, lạng lách thì chẳng thua kém.
Có thể thấy, để xảy ra những lỗi trên, bên cạnh trách nhiệm của nhà trường, ngành chức năng thì vai trò, trách nhiệm của các PH là rất lớn. Thực tế, có khá nhiều bậc PH nuông chiều con em khi trang bị cho các em những loại xe máy đắt tiền như: Air Blade, Liberty, trong khi đa phần HS bậc THPT chưa đáp ứng đủ các điều kiện điều khiển phương tiện. Ngoài ra, nhiều bậc PH vô tư giao xe máy cho con điều khiển, nhưng không nhắc nhở, giáo dục các em phải đội MBH khi ngồi trên xe và phải chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) khi tham gia giao thông.
Cần kiên quyết xử lý
Thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh cũng đã cố gắng phối hợp với ngành chức năng và chính quyền địa phương xây dựng, triển khai một số giải pháp như: mô hình “Cổng trường ATGT”; tổ chức các đợt phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật về ATGT; cho HS ký cam kết nghiêm túc thực hiện Luật GTĐB… Tuy nhiên, hiệu quả mà các giải pháp này mang lại không nhiều. Ông Lê Ngọc Vinh, Chuyên viên Phòng Trung học - Sở GD&ĐT, thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện nay, việc nhận thức Luật GTĐB ở một bộ phận HS còn hạn chế. Nguyên nhân một phần là do sự phối hợp giữa nhà trường và hội PHHS chưa tốt. Nhiều bậc PH còn buông lỏng trong vấn đề quản lý con em mình”.
Còn trung tá Nguyễn Tùng Tam, Đội trưởng Đội CSGT - CA TP Quy Nhơn, cho rằng: HS đi xe máy đến trường luôn là vấn đề “nóng” ở TP Quy Nhơn từ nhiều năm nay. Để “qua mắt” nhà trường, nhiều HS chọn giải pháp gửi xe máy tại các điểm trông giữ xe, nhà dân quanh khu vực cổng trường. Tan học, các em vô tư điều khiển xe máy tham gia giao thông trên đường mà không bị nhà trường bắt gặp, nhắc nhở.
“CA TP Quy Nhơn đã chỉ đạo CA các phường tiến hành lên danh sách những hộ dân giữ xe tại các khu vực trước và lân cận ở cổng trường. Đồng thời, Đội CSGT CA TP Quy Nhơn cắt cử một tổ công tác làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường nội thành, kết hợp với việc ghi hình để xử lý “nguội” các trường hợp HS vi phạm Luật GTĐB. Sau khi lập biên bản xử lý những trường hợp vi phạm, chúng tôi sẽ gửi thông báo về trường để có biện pháp giáo dục, răn đe. Ngoài ra, chúng tôi còn lập biên bản xử phạt các chủ sở hữu phương tiện về hành vi cho người không đủ tuổi điều khiển phương tiện”, trung tá Nguyễn Tùng Tam cho biết thêm.
Trong khi đó, theo thiếu tá Lê Hồng Phương, Đội phó Đội tuyên truyền và điều tra, xử lý tai nạn giao thông - Phòng CSGT CA tỉnh: “Ngay từ đầu năm học, Phòng CSGT đã tích cực tuyên truyền về ATGT cho HS, sinh viên. Tuy nhiên, chỉ lực lượng chức năng thôi thì chưa đủ, mà cần phải có sự phối hợp từ nhà trường và gia đình”.
Ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT cho HS, năm học 2014 - 2015, Sở yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố; các trường THPT phối hợp với CA, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho giáo viên, HS. Đồng thời, các trường quy định cụ thể những quy tắc giao thông, có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp với trường hợp HS vi phạm để kịp thời răn đe, giáo dục.
C.LUẬN - N.LÂM