Xử lý dứt điểm tồn tại liên quan đến IUU
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg về triển khai các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) diễn ra sáng 24.7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã yêu cầu Sở NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng triển khai thêm giải pháp để xử lý dứt điểm tồn tại trước thời gian Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành đợt kiểm tra lần thứ 5.
Giải quyết dứt điểm tàu cá “3 không” trong tuần này
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến ngày 22.7.2024, số lượng tàu cá đăng ký trong toàn tỉnh là 5.952 chiếc. Trong đó, có 3.736/4.082 tàu cá còn hạn đăng kiểm (chiếm 92%) được cập nhật trên hệ thống Vnfishbase. Tàu có giấy phép khai thác thủy sản là 5.183/5.952 chiếc (chiếm 87%). Về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đối với tàu cá từ 15 m trở lên có 3.215 chiếc, còn lại 23 tàu cá chưa lắp thiết bị này do đang bị hư hỏng, nằm bờ, không hoạt động.
Liên quan đến việc đăng ký cho tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm và không giấy phép khai thác thủy sản), thời gian qua, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT triển khai thực hiện. Đến ngày 24.7, toàn tỉnh có 985 tàu được kiểm tra, trong đó Quy Nhơn 303 tàu, Tuy Phước 174 tàu, Phù Cát 209 tàu, Phù Mỹ 46 tàu, Hoài Nhơn 253 tàu. Theo đó, 740 tàu đã được cấp đăng ký. Còn lại 245 tàu chưa cấp đăng ký thì Tuy Phước đã nộp đủ hồ sơ cho 140 tàu, 105 tàu ở các địa phương còn lại vẫn chưa có hồ sơ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chỉ đạo: Không thể tiếp tục du di, thông cảm nữa. Tuần này là tuần cuối cùng với tàu cá “3 không”. Sau tuần này tỉnh không chấp nhận bất kỳ chiếc tàu “3 không” nào xin làm thủ tục đăng ký nữa. Coi như Bình Định đã hoàn thành việc này. Số tàu chưa đăng ký thì đưa vào diện không đủ điều kiện, phải tiến hành xả bản.
Một tin vui liên quan đến nỗ lực của huyện Phù Cát thông qua việc cử Tổ công tác liên ngành của huyện lên đường vào miền Nam để gặp trực tiếp 138 chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m đang hành nghề câu mực/mành mực ở 3 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Khánh Hòa, được Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc chia sẻ tại cuộc họp. Theo đó, cập nhật đến sáng 24.7, đã có 72 chủ tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Trên tinh thần đó, Ban Chỉ đạo tỉnh hy vọng những địa phương có tàu cá hành nghề câu mực ở miền Nam tham khảo, làm theo, hướng đến việc toàn bộ tàu cá trong diện này lắp đặt VMS, tiến tới sớm dứt điểm tồn tại lớn lâu nay là tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Từ đầu năm đến nay, công tác kiểm soát tàu cá xuất nhập bến và hoạt động trên biển được các lực lượng liên quan phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Nhờ đó, đã phát hiện và yêu cầu 7 lượt tàu vượt ranh giới cho phép trên biển quay về vùng tự do đánh bắt của Việt Nam an toàn. Đồng thời, phát hiện 11 trường hợp mất kết nối trên 10 ngày, Sở NN&PTNT đã phối hợp với BĐBP xử lý toàn bộ các trường hợp mất kết nối này. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác cũng cơ bản đạt yêu cầu.
Huyện Phù Cát đang tập trung xử lý dứt điểm tồn tại liên quan đến chống khai thác IUU, trong đó có các tàu cá của huyện đang khai thác ở các tỉnh phía Nam.
- Trong ảnh: Tàu cá huyện Phù Cát đang neo đậu tại cảng cá Đề Gi. Ảnh: N.T
Nâng cao hiệu quảquản lý nhà nước
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã mổ xẻ những vướng mắc liên quan đến công tác thi hành quyết định xử phạt hành chính đối với trường hợp tàu cá bị nước ngoài bắt giữ và tàu cá mất kết nối VMS trên 6 giờ khi hoạt động trên biển. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, tàu cá mất kết nối VMS trên 6 giờ trên biển rất khó xác định nguyên nhân; mặt khác đa số ngư dân chỉ sử dụng duy nhất VMS trên tàu, không sử dụng các thiết bị nào khác để liên lạc nên khi tàu cá mất tín hiệu, thuyền trưởng không có thiết bị để báo cáo về bờ. Sở đã đề nghị Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) hỗ trợ giải pháp nhưng vẫn chưa có phản hồi chính thức.
Về công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm IUU, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính 2 trường hợp với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng; còn 1 tàu bị bắt ở vùng chồng lấn và 1 tàu đã bán ra ngoài địa bàn tỉnh, BĐBP tỉnh chưa tiến hành làm việc được. Đối với 8 trường hợp vi phạm trong năm 2024, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính 5 trường hợp với số tiền 4,5 tỷ đồng.
Về thi hành quyết định xử phạt các tàu vi phạm trong năm 2023, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương tiến hành xác minh nguồn kinh tế, tài sản của chủ tàu, nhưng tất cả 7 trường hợp đều không có tài sản để kê biên phục vụ cho việc cưỡng chế.
Ngoài ra, từ đầu năm 2024 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực thủy sản 46 trường hợp với số tiền 709,5 triệu đồng, trong đó xử phạt đối với hành vi mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển 19 trường hợp với số tiền 470 triệu đồng (bao gồm 8 trường hợp vi phạm trong năm 2023).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đặt vấn đề: Nếu EC hỏi tại sao không phạt tàu mất kết nối trên 6 giờ thì trả lời thế nào? Nếu là khó khăn chung thì các sở, ngành cần tham mưu tỉnh để kiến nghị lên Trung ương. Còn đã có quy định xử phạt thì cứ phải làm.
“Những tàu đã vi phạm thì phải xử phạt, nếu vướng gì, các đồng chí đề xuất lên đây để tỉnh hỏi bộ, ngành Trung ương và đề nghị hỗ trợ tháo gỡ. Liên quan đến việc tống đạt quyết định xử phạt hành chính, cứ ra quyết định cưỡng chế. Trên cơ sở đó, các cơ quan liên quan đi kiểm tra tài sản. Chúng ta làm hết trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước, trong trường hợp người dân không còn tài sản để cưỡng chế thì báo cáo thực tế, đề xuất giải pháp”, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu.
NGỌC TÚ