Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội: Hạ công suất và vốn đầu tư để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn
Sau nhiều lần xây dựng và điều chỉnh, UBND tỉnh Bình Định, Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) và Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco (Arab Saudi) - nhà đầu tư mới của dự án, đã nộp báo cáo khả thi chi tiết về Dự án Tinh lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) lên Bộ Công thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trao đổi với PV, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết:
Ở báo cáo khả thi lần này, dự án đã có những thay đổi so với lần đầu. Theo đó, công suất thiết kế được hạ từ 660.000 thùng/ngày xuống còn 400.000 thùng/ngày, tương đương 20 triệu tấn/năm. Vốn đầu tư dự kiến ban đầu từ 28,5 tỷ USD xuống còn 22 tỷ USD. Tuy nhiên, chủ đầu tư cho biết đây mới chỉ là giai đoạn 1, dự án sẽ còn được mở rộng giai đoạn 2. Sở dĩ việc hạ công suất và vốn đầu tư theo lý giải của PTT là để hiệu quả kinh tế cao hơn.
+ PV: Ông có thể cho biết quy mô của dự án theo báo cáo khả thi chi tiết lần này?
- Ông LÊ HỮU LỘC: Tại báo cáo lần này, PTT cho biết cùng với Saudi Aramco phát triển khu liên hợp lọc hóa dầu tích hợp đầy đủ, quy mô thế giới đầu tiên tại Việt Nam, bao gồm: một nhà máy lọc dầu, sản xuất ra 12 triệu tấn sản phẩm lọc dầu theo tiêu chuẩn EURO-V và 4,9 triệu tấn sản phẩm hóa dầu; các nhà máy olefin và hợp chất thơm (1,4 triệu tấn paraxylene/năm) và một nhà máy craking hơi nước ethylene (1,4 triệu tấn/năm). PTT khẳng định với công nghệ tiên tiến, cấu hình phức tạp… sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế cạnh tranh. Tại báo cáo lần này, PTT đã quyết định đặt tên dự án là Victory.
+ PTT đã tính toán đến những đóng góp cho Việt Nam về giá trị kinh tế và giải quyết việc làm chưa, thưa ông?
- Thông qua đầu tư trực tiếp vào dự án và sự phát triển các ngành kinh tế ngoại vi, PTT dự kiến sẽ đóng góp hơn 4 - 5 tỷ USD vào GDP hàng năm của Việt Nam. Đồng thời, khu liên hợp này dự kiến sẽ tạo ra 4.000 việc làm ổn định và 35.000 việc làm trong quá trình xây dựng.
- Hiện nay, Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) cũng đang có nguy cơ thiếu nhiên liệu (dầu ngọt) cho chế biến sản phẩm, PTT đã tính toán đến đầu vào nhiên liệu, đầu ra sản phẩm và công nghệ phù hợp, thưa ông?
Theo nội dung đã trình thì dự án có công nghệ hiện đại có thể xử lý các loại dầu thô từ chua rất nặng đến dầu thô ngọt nhẹ được cung ứng từ Trung Đông, Nam Mỹ, Đông Nam Á và Tây Phi. Sản phẩm lọc dầu sẽ được xuất khẩu chủ yếu sang Indonesia, Philippines, Australia; các sản phẩm hóa dầu sẽ được xuất qua Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ.
+ Về phía địa phương đã hỗ trợ, sẵn sàng gì cho siêu dự án lọc hóa dầu Victory, thưa ông?
- Trước đó, thông qua kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định, Bộ Tài chính đồng ý điều chỉnh bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam. Đồng thời, bộ này cũng cho biết sẽ đề xuất Thủ tướng cho áp dụng chính sách ưu đãi tương tự như các dự án lọc hóa dầu khác, như: Nghi Sơn, Dung Quất, Vũng Rô. Bên cạnh đó, nhà máy lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội cũng sẽ được hưởng chính sách của dự án nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 10% trong 15 năm, miễn 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm... Hiện khâu giải phóng, bàn giao mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, chờ triển khai.
+ Xin cảm ơn ông!
Theo Hà Minh (SGGP)