Chi cục Thi hành án dân sự Vân Canh nỗ lực vượt khó
Hoạt động ở huyện miền núi với địa hình hiểm trở, chỉ có 1 chấp hành viên đồng thời là Chi cục trưởng, nhưng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vân Canh là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về tỷ lệ việc thi hành xong trên số có điều kiện thi hành trong 9 tháng đầu năm nay (từ 1.10.2023 đến 30.6.2024).
Theo bản án số 27/2024/DS-PT ngày 25.1.2024 của TAND tỉnh, ông L.T.T. và bà N.T.X.H. (ở xã Canh Vinh) phải tháo dỡ công trình (hàng rào) để trả lại cho ông Đ.T.B. 17,1 m2 đất (ở thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh). Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, vợ chồng bà H. một mực phản đối, nhất quyết không tự nguyện thi hành. Quá trình giải quyết vụ việc, chấp hành viên (CHV) kiên trì vận động, thuyết phục và vợ chồng bà H. đã thay đổi nhận thức hoàn toàn. Đến ngày 25.4, hai người tự nguyện tháo dỡ công trình để trả lại đất cho hàng xóm, tranh chấp âm ỉ suốt 10 năm giữa hai bên từ đó cũng được hóa giải.
Theo ông Võ Minh Thế, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Vân Canh, đây là một trong hàng chục vụ việc được đơn vị giải quyết xong trong 9 tháng đầu năm nay nhờ áp dụng biện pháp vận động, thuyết phục đương sự. Đây cũng chính là bí quyết giúp đơn vị nâng cao hiệu quả công tác THA thời gian qua.
CHV Chi cục THADS Vân Canh vận động đương sự tháo dỡ hàng rào và giao trả đất ở xã Canh Vinh. Ảnh: ĐVCC
Trong 9 tháng đầu năm, đơn vị thi hành xong 162/191 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 84,8% (tăng 39 việc so với cùng kỳ 2023), dẫn đầu trong 11 chi cục. Về tiền, đã thi hành xong 2,2/4 tỷ đồng có điều kiện, đạt tỷ lệ 55% (tăng 589 triệu đồng so với cùng kỳ 2023), xếp thứ 2 toàn tỉnh.
Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, đơn vị cưỡng chế 6 việc và tất cả đều thực hiện thành công mà không huy động lực lượng liên ngành (như CA, viện kiểm sát, y tế…), trong đó có 2 trường hợp cưỡng chế giao đất trên thực địa. Theo ông Thế, có kết quả này là nhờ đơn vị làm tốt công tác dân vận. Huyện Vân Canh có 32.142 nhân khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm đến 41,7%. Không ít trường hợp đương sự là người DTTS, hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế.
Như trường hợp bà N.T.R. và ông Đ.B.M. (làng Suối Đá, xã Canh Hiệp). Cuối năm 2023, Chi cục THADS huyện Vân Canh ra quyết định buộc 2 người thực hiện nghĩa vụ trả lại 4.279 m2 đất trồng keo cho bên được THA. Vì chưa hiểu được các nội dung của Luật Đất đai và một số quy định liên quan, ban đầu vợ chồng bà R. phản ứng gay gắt. Về sau, khi được CHV tận tình giải thích pháp luật, lại thêm người có uy tín ở làng khuyên nhủ, bà R. đã hiểu rõ các quy định và trách nhiệm của bản thân.
“Trước đây, vì chưa thông suốt nên bà R. không tự nguyện THA. Đầu năm 2024, khi chúng tôi cưỡng chế giao đất, đương sự không chống đối hay cản trở gì, nên không phải huy động lực lượng. Gọi là cưỡng chế nhưng việc giao đất diễn ra khá nhẹ nhàng, thuận lợi”, ông Thế lý giải.
Thực tế cho thấy, việc vận động, thuyết phục đương sự vốn dĩ đã khó, để vận động được người DTTS ở những làng xa xôi, địa hình hiểm trở càng khó khăn gấp bội, CHV phải nỗ lực để vượt qua trở ngại. Như trường hợp bà H.T.H. và ông Đ.V.T. (ở làng Hà Giao, xã Canh Liên) năm 2020 bị TAND huyện Vân Canh tuyên buộc trả 49 triệu đồng cho bên được THA. Làng ở khu vực giáp ranh huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) và huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai), giao thông cách trở, để đến được nhà đương sự, CHV phải lội bộ theo đường núi gần 4 giờ đồng hồ. Sau 3 lần đến làng vận động, CHV vừa khéo léo tiếp cận để giáo dục pháp luật, vừa lắng nghe và chia sẻ khó khăn với đương sự, vợ chồng bà H. mới tự nguyện THA.
NGUYỄN CHƠN