Vai trò to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hoạt động Quốc hội
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo có tâm, có tầm của Đảng, luôn hết lòng vì nước, vì dân, một phong cách mẫu mực của đại biểu nhân dân.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Ngọc Sơn chất vấn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Gần 60 năm làm việc và cống hiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều di sản có giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Trân trọng những công lao to lớn trong quá trình xây dựng và đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, đồng chí Nguyễn Phú Trọng không chỉ là người chiến sỹ cộng sản kiên trung, mà còn là hạt nhân trong vai trò lãnh đạo, góp phần xây dựng, khẳng định uy tín của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.
Là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khóa XI và XII, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, khách quan, khoa học, đồng thời rất cụ thể, sâu sắc nhằm xây dựng một Quốc hội vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; từ đó góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thực tiễn từ quá trình đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, từng bước đúc kết những vấn đề cốt lõi, quan trọng, có giá trị định hướng quan trọng để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Qua nghiên cứu các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định cuốn sách chứa đựng những giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là tài liệu nghiên cứu có giá trị, ý nghĩa thiết thực, giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là các đại biểu Quốc hội nắm vững quan điểm chỉ đạo của Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội Việt Nam cũng như công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Từ tấm gương làm việc và cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, thời gian tới, mỗi đại biểu Quốc hội cũng cần tiếp tục phát huy vai trò của mình, luôn ý thức đầy đủ về quyền hạn và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; học từ dân, học từ thực tiễn đời sống thường ngày.
Theo đại biểu, cùng với việc chú trọng đổi mới tổ chức, bộ máy, công tác cán bộ, hoạt động của Quốc hội, trước hết từ mỗi Đại biểu Quốc hội, mỗi cơ quan của Quốc hội phải luôn nỗ lực hành động quyết liệt và hiệu quả vì lợi ích trên hết và trước hết của nhân dân, của đất nước; chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa những biểu hiện tiêu cực, suy thoái trong tổ chức bộ máy, từ đó có những đóng góp tích cực hơn nữa cho công cuộc đổi mới của đất nước, góp phần thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Hoàng Minh Hiếu phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng, khi giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã để lại rất nhiều ấn tượng và bài học quý báu đối với những cán bộ, công chức Văn phòng Quốc hội.
Khi làm việc, chỉ đạo, đồng chí thường dẫn những ví dụ, những câu thơ, bài văn rất phong phú, hấp dẫn để các cán bộ trẻ dễ tiếp thu, dễ thực hiện.
“Tôi vẫn nhớ vào một dịp tổng kết công tác cuối năm của Văn phòng Quốc hội, đồng chí đã đọc cho chúng tôi nghe bài thơ “Con cá, chột nưa” của nhà thơ Tố Hữu và căn dặn chúng tôi phải thường xuyên rèn luyện trong công tác, giữ bản lĩnh trước các cám dỗ đời thường”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nói.
Là một nhà khoa học, đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến việc phát triển đội ngũ các chuyên gia nghiên cứu trong Quốc hội và sử dụng những kết quả nghiên cứu khoa học vào hoạt động của Quốc hội nói chung và công tác lập pháp nói riêng.
Đặc biệt, vào năm 2008, đồng chí đã chỉ đạo Văn phòng Quốc hội xây dựng Đề án thành lập Viện Nghiên cứu lập pháp, là cơ quan có chức năng nghiên cứu khoa học lập pháp để tham mưu, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
“Quá trình soạn thảo, xây dựng Đề án này, chúng tôi đã nhận được rất nhiều chỉ đạo sát sao, thể hiện tầm nhìn sâu sắc của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về việc xây dựng và phát triển khoa học lập pháp nước nhà. Cho đến nay, Viện Nghiên cứu lập pháp vẫn đang tiếp tục phấn đấu để thực hiện được những quan điểm, định hướng mà đồng chí đã giao phó”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu chia sẻ.
Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn coi trọng tổng kết thực tiễn để không ngừng bổ sung, hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Là người chiến sỹ cộng sản trong hành trình gần 60 năm qua, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; tác phong sâu sát cơ sở, gần gũi với đồng bào, đồng chí; trong công việc luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thái độ nghiêm túc, phương pháp làm việc khoa học, quyết đoán, giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân; được cán bộ, đảng viên, nhân dân tin tưởng, yêu quý, được bạn bè quốc tế trân trọng và đánh giá cao.
Theo Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)